Chỉ số nhà quản trị mua hàng ASEAN lấp lửng giữa tăng trưởng và suy giảm

(PLO)- Chỉ số nhà quản trị mua hàng khu vực ASEAN tháng 1-2024 lên ngưỡng tăng trưởng, nhưng vẫn có thể quay về ngưỡng suy giảm, nếu nhu cầu hàng hóa của thế giới không phục hồi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

S&P Global Market - hãng phân tích thông tin kinh tế có uy tín tại Mỹ - vừa phát báo cáo cập nhật, đánh giá sức khỏe ngành sản xuất khu vực ASEAN có dấu hiệu cải thiện nhẹ trong tháng đầu năm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng ASEAN vẫn lấp lửng giữa tăng trưởng và suy giảm
Ngành dệt may Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do đơn hàng suy giảm. Ảnh: VGP

Chỉ số nhà quản trị mua hàng chuyển sang tăng trưởng

Dữ liệu từ S&P Global Market cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ASEAN từ mức 49,7 điểm trong tháng 12-2023 đã tăng lên 50,3 điểm trong tháng 1-2024. Đây là lần đầu tiên sau 5 tháng, PMI vượt 50 điểm - ngưỡng phân định giữa suy giảm và tăng trưởng.

Theo phân tích này, hoạt động sản xuất trong khu vực ASEAN tiếp tục tăng trong tháng 1-2024 này, và là tháng thứ 28 liên tiếp về xu hướng cải thiện, trong đó tốc độ phục hồi rõ rệt nhất bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, khi các công ty giải quyết được đơn hàng tồn đọng. Dù vậy, cải thiện mới chỉ ở mức độ nhẹ.

Bóng ma lạm phát vẫn bao trùm với giá cả đầu vào, đầu ra đang tăng ở mức mạnh nhất trong 10 tháng qua. Trong khi đó, lực cầu hàng hóa còn yếu tiếp tục làm giảm chỉ số đơn hàng mới tháng thứ năm liên tiếp, cho dù tốc độ giảm đã chậm lại nhiều so với trước đó. Chỉ số về việc làm không thay đổi, cho thấy tâm lý e ngại của các công ty trong việc tuyển dụng mới.

Trong bản báo cáo về tình hình kinh tế ASEAN này, S&P Global Market có đề cập tới Việt Nam. Theo đó các doanh nghiệp ở Việt Nam thể hiện quan điểm lo lắng về điều kiện kinh doanh nhưng vẫn hy vọng vào nhu cầu và số lượng khách hàng sẽ được cải thiện. Chỉ số nhà quản trị mua hàng ghi nhận tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, vượt ngưỡng trên 50 điểm nhờ các đơn hàng mới.

Thách thức vẫn còn khi nhu cầu hàng hóa giảm

Khảo sát ý kiến của các nhà sản xuất ASEAN tháng đầu năm 2024 cho thấy có cải thiện so với tháng cuối năm 2023, theo đó họ tiếp tục thể hiện niềm lạc quan vững chắc về triển vọng trong 12 tháng tới. Dù vậy, tâm lý lạc quan này về tổng thể vẫn thấp hơn trung bình các năm trước.

Indonesia dẫn đầu tâm lý lạc quan ấy, trong khi mức suy giảm về điều kiện kinh doanh đáng chú ý nhất là ở Myanmar.

Từ dữ liệu chỉ số quản trị nhà mua hàng của ASEAN, Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence dự báo trong thời gian tới, các nhà sản xuất ASEAN sẽ không thể duy trì tăng trưởng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm. Kết quả, chỉ số PMI có thể quay trở lại dưới ngưỡng 50 điểm nếu số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm