Những ngày qua, cầu Nhị Thiên Đường 1 cũ đang được tháo dỡ để xây cầu mới. Người dân TP đang chia tay với cây cầu có gần 100 năm tuổi.
Theo nhiều nguồn tư liệu, cầu Nhị Thiên Đường 1 được khởi công xây dựng từ trước năm 1910. Tư liệu của ngành giao thông thì lại cho rằng cầu được xây từ năm 1923, đến năm 1925 thì xong.
Tại trụ đèn số 4 và số 16 có gắn hai bảng đúc bằng gang ghi tên Công ty Xây dựng Levallois Perret (của Pháp) và số 1925, năm hoàn thành xây dựng cầu. Theo kế hoạch, hai tấm bảng gang này sẽ được giữ lại và gắn trên cầu mới để ghi dấu tích lịch sử phát triển của TP.
Nhìn từ dưới kênh Đôi lên, điểm nhấn chính giữa của cầu 1 là khoang thông thuyền rộng 40 m được đúc hai cánh tay vươn ra giữa và thả nhịp dầm đeo xuống nối thông hai trụ với nhau.
Điều "trùng hợp ngẫu nhiên" là những năm 1980, khi làm cầu 2 người ta đúc hẫng cân bằng hai tay vươn ra và thả nhịp dầm đeo xuống giữa khoang thông thuyền để tạo sự đồng bộ, tương thích giữa cầu cũ và mới.
Trên mặt cầu 1 cũ có 20 trụ đèn được làm theo lối kiến trúc gô-tích của người Pháp. Trong đó, điểm nhấn ở giữa mặt cầu - nơi phía trên của khoang thông thuyền là bốn trụ đèn được tạo hình như các thanh kiếm, 16 trụ đèn biên ở hai bên được tạo hình như con dao. Có ý kiến cho rằng hình tượng gươm, dao là để "bảo vệ" cầu nhưng cũng có ý kiến cho rằng cầu xưa vươn sang vùng đất của dân tứ xứ, giang hồ, Bình Xuyên nên nhà nước Pháp đem gươm, dao lên mặt cầu đăng dằn mặt....
Bốn trụ đèn chính giữa được tạo hình thanh gươm với đủ các bộ phận chuôi, thân, tai và lưỡi gươm...
Các trụ đèn biên được tạo hình con dao với hai phần chuôi và lưỡi.
Cả gươm và dao đều được làm theo kiểu giật cấp, tầng nấc với một đường chỉ lớn, 2-3 đường chỉ nhỏ ở các phần tách biệt giữa chuôi, thân, mũi và lưỡi... Dọc thân là những đường lõm tạo gân khỏe khoắn cho trụ đèn. Theo kế hoạch, kiến trúc kiểu trụ đèn cổ này sẽ được phục hồi ở cầu mới.
Hàng lan can cầu chỉ là ba thanh sắt tròn nhỏ và một thanh sắt dẹt trên cùng, ít được sơn phết nhưng cả gần trăm năm vẫn chưa có dấu hiệu mòn, rỉ sét, gãy.
Xem kỹ chân trụ bằng sắt của hàng lan can thì thấy chúng được cắm sâu vào nền bê tông sỏi cuội, loại vật liệu phổ biến thời Pháp.
Ngay cả phần âm của các trụ đèn trên mặt cầu cũng được đúc bằng sỏi cuội với đường kính của các viên sỏi chứng 1 cm, đều nhau, không có hạt lớn, hạt nhỏ. Toàn khối bê tông trụ đèn được đúc rắn, chắc. Theo các kỹ sư cầu đường, dù đầu thế kỷ 20 việc trộn bê tông chỉ là bằng tay nhưng các "khối đá" này cho thấy bê tông được nhào, trộn rất kỹ, nhuyễn trước khi đổ.
Năm 1972, người Mỹ cho sửa lại phần nhịp giữa của cầu. Lúc này các loại đá xanh 1-2 cm được đưa vào sử dụng. Theo các thợ phá dỡ cầu, các khối bê tông đá xanh 1-2 cm của người Mỹ chỉ cần chọc 2-3 búa là vỡ ra từng mảng, chứng tỏ nó được dùng phụ gia để đông cứng nhanh nhưng giòn, rất dễ vỡ. Còn bê tông của người Pháp thì đập bảy lần búa, máy vẫn chưa vỡ.
Cầu là nhà. Với quan niệm đó, ở điểm nối giữa hai nửa mái vòm của các nhịp cầu nhà kiến trúc cho đúc các lưỡi búa trừ tà, điều mà ta thường thấy ở giữa mái vòm của các cửa chính, cửa sổ của những ngôi nhà cổ.
Dưới mặt cầu, các mái vòm cong làm đà, dầm đỡ cầu được làm với chỉ bốn thanh tượng trưng cho tứ cung, tứ linh...
Cầu cũ với những ý tưởng, kiến thức về kiến trúc, mỹ thuật độc đáo như trên nhưng vẫn có phần "khuyết" là tĩnh không thông thuyền quá thấp (chỉ là 3,5 m) trong khi theo cấp sông là phải cao 6 m cho các loại sà lan, tàu từ trên 1.000 tấn lưu thông thuận tiện.
... Và đường bộ chui dưới dạ cầu cũng quá thấp, chỉ là 3,1 m trong khi theo quy chuẩn là phải cao trên 4,75 m.
Mặt đường giữa cầu 1 cũ và 2 cũng khấp khểnh, vênh nhau, vừa không đẹp về kiến trúc đô thị vừa gây khó cho lưu thông.
Vì thế sau trăm năm tồn tại, nay TP phải làm cầu mới cho đẹp, đồng bộ, thuận lợi đi lại.
Vì những lẽ đó, trong những ngày tới người dân TP phải chia tay với cây cầu được coi là "cổ nhất" còn lại đến nay.