Thời ấy chưa có ép nhựa bằng điện hay ép cứng bằng máy - những cách ép này thuộc dạng “ép chết” vì sau khi ép, người ta không thể mở và lấy ra tấm thẻ được ép khi cần thiết. Những người làm nghề ép nhựa dẻo hành nghề trên một cái bàn nhỏ đặt khiêm tốn ở những góc đường gần trường học hoặc các cơ quan hành chính công quyền, cho người dân sau khi nhận được giấy tờ cần thiết liền đem ép nhựa để bảo quản lâu dài.
Dù cho ngày nay đã có ép điện hay ép cứng nhưng đôi lúc người ta vẫn tìm đến những ông thợ ép nhựa thủ công này để ép những loại giấy tờ thường xuyên phải lấy ra và nhét vào như sổ đỏ, sổ hồng hay bọc lại bìa những quyển sách. Tuy vậy, muốn tìm những ông thợ ép thủ công này hơi khó vì hầu như những người hành nghề ép nhựa bằng bàn ủi than không còn nhiều nữa. Nếu còn chăng thì người ép thủ công này đều là những người lớn tuổi, đã sống bằng nghề này một thời gian dài. Không phải dễ mà người trẻ tuổi muốn làm nghề này và nếu có làm thì họ sẽ dùng ép điện cho nó khỏe và không ngồi ở góc đường. Tìm được những ông thợ ép nhựa thủ công này phải là những khách hàng quen thuộc, biết các ông thợ đặt cái bàn ép ở góc phố quen thuộc nào.
Đã 80 tuổi, ngày ngày ông Vòng vẫn gắn bó với chiếc bàn ủi than ép nhựa thủ công.
Thời may, trên đường đi làm tôi “phát hiện” được người ép nhựa thủ công là bác Nguyễn Vòng, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn đang hành nghề ở góc đường Tú Xương và Nguyễn Thông. Với một cái xe nhỏ, nằm lọt thỏm “dựa hơi” theo một cái chốt gác của tổ khu phố kiên cố mà cái chốt gác này đã chiếm nửa mặt đường vỉa hè Nguyễn Thông. Trên mặt cái xe nhỏ của bác là dụng cụ hành nghề quen thuộc của người ép nhựa thủ công như một cái bàn ủi than cùng với một vài cuộn nhựa trong. Thi thoảng một vài khách hàng mang những quyển sách, những giấy tờ quan trọng cần phải ép nhựa có nắp để dễ dàng lấy ra. Khi có người đến ép, bác cắt những miếng nhựa dẻo theo kích thước của vật cần ép, sau đó để vào giữa hai miếng nhựa, đặt những cạnh ngoài miếng nhựa lên trên răng của một chiếc lò xo hay răng của khóa kéo đã được cố định, sau đó đặt tờ giấy mỏng lên và dùng bàn ủi than ủi đi ủi lại trên tờ giấy mỏng. Sức nóng của bàn ủi làm viền mép của miếng nhựa dính lại. Thế là giấy tờ đã được ép xong.
Những người cần ép nhựa giấy tờ, họ cũng như tôi, thường phải đến buổi sáng vì bác làm đến khoảng giờ trưa thì nghỉ. Đều đặn 6 giờ sáng bác Vòng đạp xe từ quận 4 và đến góc đường quen thuộc. Bên tủ đồ nghề, có khách đến thì làm việc, không có khách thì bác ngồi ngắm phố phường. Khách của bác Vòng thường là khách quen (trong đó có tôi). Họ đến ép giấy tờ và trong khi nhìn bàn tay chai sần của bác - tai nạn của những lúc bỏng - đẩy bàn ủi lướt nhẹ trên tờ giấy mỏng có tác dụng không để mặt bàn ủi trực tiếp lên nhựa dẻo thì họ với bác cùng nhau luận bàn thiên hạ sự. Sướng nhất là buổi sáng vì trời còn mát. Nhưng khi nắng lên thì bác phải chịu đựng những cơn nắng rát da vì tấm mái che nhỏ của cái bàn ép nhựa không đủ sức che nắng thì làm gì nói đến che mưa. Tuy vậy, dù trời mưa hay nắng, bác Vòng không để thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng của từng đường ép. Đôi lúc nhìn bác cầm cái bàn ủi than con gà nóng hừng hực lướt nhẹ nhưng rất cẩn thận để làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi… Chỉ một cái xe nhỏ nằm khép nép bên hông trụ sở dân phòng, không gây cản trở lối đi của người đi bộ - nếu có gây trở ngại thì chính là cái trụ sở, suốt 40 năm qua bác Vòng đã nuôi sáu người con khôn lớn.
Sáng nay, đi ngang qua khu đường này để định ép nhựa lại một vài giấy tờ đã cũ nhưng chẳng thấy cái xe ép nhựa và cái dáng khòm khòm của bác Vòng đâu cả. Không biết bác nghỉ vì tuổi già sức yếu hay vì bác phải tuân thủ việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ…
Dẫu sao thì cái trụ sở dân phòng vẫn còn đó nhưng cái xe ép nhựa của bác Vòng đã đi đâu, về đâu?