Nhìn bảng tên một con đường hiếm hoi mang tên một lũy thành ngày xưa, chợt nhớ đến vùng đất Sài Gòn với những bước chân mở cõi của các bậc tôi thần nhà Nguyễn - vâng mệnh chúa - tìm đường hướng về phương Nam. Lũy Bán Bích (lũy Nguyễn Cửu Đàm) đắp năm 1772 trên cơ sở của lũy Lão Cầm (huyện Tân Bình), chạy dài từ chùa Cây Mai, vòng qua đồng Tập Trận, tới rạch Nhiêu Lộc thì theo đường sông xuống rạch Thị Nghè rồi chấm dứt nơi cầu Bông. Cầu này có tên là cầu Hoa (hay cầu Cao Mên) nhưng trùng tên với một người vợ của vua Minh Mạng nên cải thành cầu Bông. “Cây cầu Cao Mên, thấy làm nguyên cột vấp ván trai” (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh - CGĐPCV). Từ những cái tên, những phế tích còn sót lại sau nhiều cuộc bể dâu ẩn chứa từng quặng tầng lịch sử của đất phương Nam khởi nguồn từ Sài Côn - Prey Nokor.
Đình Tân Kiểng tọa lạc tại 718 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5, TP.HCM.
Trước hết, vùng đất Sài Gòn xưa mang ơn vị quan nhà Nguyễn đã đến và xây dựng vùng đất này: Năm 1698, Thống suất thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn lập phủ Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Trước đây, vùng đất này đã có người Việt định cư từ cuối thế kỷ 16 nhưng phải đợi đến chúa Nguyễn định danh thì vùng đất này mới là của người Việt. Sau khi dựng dinh Phiên Trấn, chúa Nguyễn còn cho phép quan chức tại phủ Gia Định được quyền chiêu dụ người Việt đang lưu trú tại Lục Chân Lạp về định cư sẽ được miễn thuế ba năm… Bước chân của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược là bước ngoặt quan trọng đối với vùng Sài Gòn và toàn cõi nam bộ.
Dạo bước ngang con đường nhỏ Nam Quốc Cang, nhớ ngày xưa đã có một ngôi chợ được gọi theo tên của dinh Điều Khiển (góc Nguyễn Trãi - Phạm Ngũ Lão). Đường Lê Thánh Tôn, trước Bảo tàng Cách mạng, trong Công viên Bạch Tùng Diệp ta thấy một cây đa to rủ nhánh trên tượng Quách Thị Trang - dấu vết một ngôi chợ nổi tiếng mang tên Cây Da Còm ngày cũ. Đình Tân Kiểng (chợ Quán) còn đó nhưng chợ Tân Kiểng chỉ còn lại cái tên. Chợ Phố Sài Gòn do Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) thành lập trong khoảng những năm 1679-1731. Bây giờ là khu vực ngay tòa nhà Bưu điện quận 5. Đi ngang Hòa Hưng sao không nhớ đến Gia Định xử sĩ sùng đức Võ Trường Toản, thầy của Gia Định tam gia Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh.
Các công thần nhà Nguyễn đã xây dựng cũng như đã hy sinh cùng nhân dân bảo vệ Sài Gòn - Gia Định trước cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Đại đồn Chí Hòa với tên tuổi của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Trương Công Định luôn làm con cháu đất Sài Gòn hãnh diện về tiết tháo của người xưa. Đi về miệt Gia Định, nhìn thấy cổng Lăng Ông sao lại không cảm khái nhớ đến quan lớn Thượng Lê Văn Duyệt, người làm tổng trấn Gia Định thành trước sau hai thời kỳ, một tổng trấn lâu năm nhất, được nhân dân nhớ ơn nhiều nhất vì tinh thần “chí công vô tư”, đặt phép nước cao hơn lệnh vua, biết “mở cửa” giao thương, tận dụng sức làm kinh tế của thương nhân…
Theo dòng lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt bắt đầu từ khi chúa Nguyễn lập “Phủ Gia Định,phủ gia Định. Nhà đủ người no ấm chốn chốn. Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn. Ăn ở vui thú nơi nơi…” (CGĐPCV). Năm 1708, Mạc Cửu dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn. Năm 1755, quốc vương Chân Lạp nhượng đất Tần Bôn và Lôi Lạp cho Võ Vương. Đất Ba Thắc (Sóc Trăng - Bạc Liêu), Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) sáp nhập vào phần giang sơn chúa Nguyễn từ năm 1757. Mạc Thiên Tích mất năm 1780, không con nối dõi nên chúa Nguyễn đã thu phục Hà Tiên. Từ đây, việc mở mang bờ cõi kéo dài trên 800 năm (từ năm 939), Việt Nam với hình dạng như ngày nay đã hoàn thành. Dù trải qua nhiều phong ba bão táp của chiến tranh nhưng người miền Nam cũng như người Sài Gòn nhớ ơn tiền hiền mở cõi đã giữ vững và xây dựng đất phương Nam theo ước vọng người xưa…
Đi đâu cũng nghe, cũng thấy bước chân những người mở cõi nhưng ngoài tên đường Lũy Bán Bích, đâu rồi những tấm bia ghi dấu vết kỷ niệm của các địa danh lịch sử, danh nhân từ thời lập đất Sài Côn - Đề Ngạn? Ta có quyền quên chăng?