Chiến sự Nga - Ukraine: Ác liệt từ mọi phía

Tính đến cuối ngày 25-2 (giờ Việt Nam), xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra hết sức lo ngại. Cả hai bên đều tuyên bố đã gây tổn thất nặng nề cho đối phương, trong khi Mỹ và phương Tây cật lực lên án động thái của Nga và đang gấp rút bàn thảo các kế hoạch trừng phạt nước này.

Thủ đô Kiev trong thế giằng co hai bên

Theo cập nhật của truyền thông quốc tế, các mũi tiến công quân sự của Nga đang đẩy nhanh tốc độ về phía mục tiêu trọng yếu là thủ đô Kiev, bất chấp nỗ lực kháng cự dữ dội từ phía quân Ukraine. Hãng tin AP dẫn một số nguồn tin tình báo Ukraine cho biết Kiev lúc này đang bị bao vây đồng loạt từ ba phía bắc, nam và đông. Hình ảnh do tờ The New York Times thu được cho thấy hàng chục trực thăng Nga bay qua sông Dnepr về hướng TP Hostomel, ngoại ô thủ đô Kiev.

Một phụ nữ trước tòa chung cư ở thủ đô Kiev bị trúng đạn pháo của Nga
ngày 25-2. Ảnh: AP

Loạt trực thăng Nga cũng được nhìn thấy dồn dập tấn công sân bay chiến lược Antonov ở TP Hostomel, chỉ cách thủ đô Kiev khoảng 25 km về phía tây bắc. Lực lượng Ukraine bảo vệ sân bay này được cho là đã đẩy lùi thành công ít nhất ba đợt tấn công của quân Nga, với một lần bị đánh bật ra nhưng tái chiếm thành công.

Hãng thông tấn quốc gia Ukraine Ukrinform dẫn lại thông tin từ Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết các binh sĩ nước này cũng chặn đứng thành công một đoàn xe tăng Nga băng qua thị trấn Ivankiv và đang hướng đến thủ đô Kiev từ hướng TP Vyshgorod cách đó 16 km bằng cách cho nổ tung cây cầu duy nhất nối liền hai bên. Cập nhật mới nhất từ thực địa cho thấy binh sĩ hai bên vẫn đang giao tranh dữ dội, với phe Ukraine được tăng viện bằng một lượng lớn binh sĩ nhảy dù.

Hiện cư dân ở Kiev đã được yêu cầu di chuyển nhanh chóng tới các địa điểm trú ẩn rải rác trong thủ đô đề phòng Nga mở đợt không kích. Trước đó, Moscow tuyên bố đã làm chủ hoàn toàn không phận Ukraine sau khi tấn công vô hiệu hóa gần như toàn bộ cơ sở phòng không của đối thủ.

Từ ngày 24-2 đến nay, liên tiếp có các vụ nổ và các cột khói bốc lên từ phía các khu vực rìa phía bắc và phía đông thủ đô, chủ yếu là do các đạn lạc từ các đợt pháo kích ở các khu vực xung quanh và máy bay quân sự các bên bị bắn rơi xuống thủ đô. Một số đợt pháo kích nhắm vào Kiev vẫn xảy ra nhưng được đánh giá là mang tính tự phát, nhỏ lẻ và chưa có thông tin Nga sẽ tổ chức pháo kích hoặc thả bom Kiev với quy mô lớn. Dù vậy, đây vẫn là rủi ro lớn nhất mà giới lãnh đạo quân đội Ukraine phải tính toán tới, theo đài CNN.

Không chỉ ở Kiev và khu vực xung quanh thủ đô, lực lượng Nga tấn công các TP khác cũng được đánh giá là phải đối mặt với sức kháng cự mạnh hơn dự kiến từ lực lượng Ukraine đồn trú. Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi ngày 25-2 khẳng định quân đội nước này đã thành công trong việc ngăn cản quân Nga đang tiến quân từ phía bắc, đáng kể là bẻ gãy được một đòn đột phá quy mô lớn của Nga ở khu vực Chernihiv. Tuy nhiên, các lực lượng Nga dường như cũng đang củng cố được đội hình ở phía tây bắc Ukraine.

Tổng kết sau thời gian giao tranh, hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 25-2 tuyên bố chiến dịch quân sự ở Ukraine bước đầu thành công, đạt được hầu hết nhiệm vụ đề ra. Lực lượng Nga đến nay đã vô hiệu hóa được 83 mục tiêu trên mặt đất tại Ukraine, gồm 11 sân bay quân sự, ba sở chỉ huy, một căn cứ hải quân, 18 trạm radar của các tổ hợp phòng không S-300 và Buk-M1. Hai tiêm kích Su-27, hai cường kích Su-24, một trực thăng và bốn máy bay không người lái Bayraktar TB2 của quân đội Ukraine cũng bị phá hủy.

Về phía Ukraine, nước này hiện chưa đưa ra con số thống kê chính thức về số lượng binh sĩ và khí tài Nga mà nước này tiêu diệt. Tuy nhiên, dựa trên con số được AP cập nhật từ các thông báo của Bộ Quốc phòng Ukraine về tình hình chiến sự trên các mặt trận, con số binh sĩ Nga thiệt mạng có thể đã vượt quá 200, với lần thương vong nặng nhất của Nga là ở trận đụng độ tại TP Kharkiv, khi có tới 50 binh sĩ Nga bị tiêu diệt tại chỗ cùng bốn xe tăng Nga bị bắn cháy hôm 24-2. Moscow đến nay vẫn phủ nhận các thống kê chiến trường của Kiev.

Ông Zelensky tìm kiếm hòa đàm với Nga

Từ khi chiến sự nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục gọi điện cầu viện phương Tây. Ngay sau khi Nga phát động tấn công Ukraine, ông Zelensky đã nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda để cùng “bắt đầu thành lập liên minh chống ông Putin”, theo hãng tin Ukrinform.

Nhà Trắng cũng cho biết ông Zelensky đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau khi Nga tấn công Ukraine. Trong các cuộc điện đàm, ông Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo áp đặt tất cả biện pháp trừng phạt có thể có lên Nga và ông Putin, cũng như hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine với quy mô lớn.

Ông Zelensky cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda vào sáng 25-2, đề nghị Ba Lan và chín nước Đông Âu thuộc nhóm Bucharest Nine viện trợ quốc phòng, áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên chính quyền Moscow nhằm kéo Nga vào bàn đàm phán.

Không đạt được kỳ vọng từ các cuộc điện đàm với các lãnh đạo phương Tây, ngày 25-2, ông Zelensky đã bất mãn và cáo buộc rằng phương Tây để Ukraine đơn độc đối phó với Nga và cho biết ông không ngại đàm phán với Moscow để chấm dứt chiến tranh, miễn là được đảm bảo an ninh, theo đài RT.

Ông Zelensky cũng đã cố liên lạc với ông Putin nhưng không thành và sau đó đã gọi điện thoại cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhờ ông điện thoại cho ông Putin.

Ông Macron cho hay ông đã gọi điện thoại cho ông Putin và yêu cầu Moscow theo đề nghị của ông Zelensky, đó là một cuộc gọi “thẳng thắn, trực tiếp, nhanh chóng” về mong muốn đối thoại của ông Zelensky. Chưa rõ phản hồi từ ông Putin.

Trước đó, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí điện Kremlin, cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev, trong đó có hai điều kiện tiên quyết để kết thúc chiến dịch quân sự hiện tại của Nga ở Ukraine. Đó là: Ukraine phải đảm bảo về tình trạng trung lập và cam kết không triển khai vũ khí trên lãnh thổ của mình.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo ngày 25-2 cũng tiếp tục nhắc lại hai điều kiện nói trên nhưng nói thêm rằng Nga “không muốn những kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít cầm quyền” tại Ukraine. Ngoại trưởng Nga cũng được cho là đã gặp gỡ và trao đổi với các đại diện từ hai vùng ly khai khỏi Ukraine là Donetsk và Lugansk nhưng không rõ đã trao đổi những gì.•

 

“Chúng tôi đã bị bỏ lại một mình. Có ai sẵn sàng ra trận vì chúng tôi? Thành thật mà nói, tôi không thấy ai cả. Ai sẵn sàng cung cấp cho Ukraine sự đảm bảo về tư cách thành viên NATO? Thành thật mà nói, mọi người đều sợ hãi” - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phàn nàn về thái độ của phương Tây.

Mỹ và phương Tây tiếp tục lên án Nga

Chiến sự Nga - Ukraine: Ác liệt từ mọi phía ảnh 2
Xe thiết giáp của lực lượng Ukraine di chuyển trên đường phố thủ đô Kiev ngày 25-2. Ảnh: REUTERS

Sau đợt trừng phạt phủ đầu Nga hôm 24-2, Mỹ và phương Tây trong ngày 25-2 tiếp tục có các động thái khác nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Hạ viện Mỹ vừa ra một dự thảo nghị quyết đề xuất Liên Hợp Quốc loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an, theo trang tin Axios. Dự thảo nghị quyết nêu rõ rằng hành động của Nga “gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh quốc tế” và “đi ngược lại với trách nhiệm và nghĩa vụ của nước này (Nga) với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) công bố thêm hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề nhắm vào các ngành công nghiệp dầu mỏ, ngân hàng, công nghệ và hàng không của Nga, theo đài RT. Động thái này cũng sẽ nhắm vào nguồn tiền của giới thượng lưu Nga ở châu Âu, tước quyền tiếp cận ưu đãi của các nhà ngoại giao và doanh nhân nước này ở EU.

Trung Quốc dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu lúa mì với Nga

Họp báo ngày 25-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đi ngược với luồng ý kiến chỉ trích Nga của cộng đồng quốc tế khi không lên án động thái leo thang quân sự của Nga và chỉ trích Mỹ “vô trách nhiệm” khi “thổi bùng lửa” chiến tranh Nga - Ukraine.

“Trung Quốc đã có thái độ có trách nhiệm và thuyết phục tất cả các bên không leo thang căng thẳng hoặc kích động chiến tranh. Những người làm theo sự chỉ đạo của Mỹ trong việc châm ngòi lửa rồi đổ lỗi cho người khác mới thực sự vô trách nhiệm” - bà Hoa khẳng định, theo đài CNN.

Trung Quốc ngày 24-2 tuyên bố dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu lúa mì đối với Nga giữa lúc nước này phải đối mặt với vòng vây cấm vận từ phương Tây. Trung Quốc lâu nay hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Nga do lo ngại liên quan kiểm dịch thực vật - các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên thực vật, đặc biệt là trên cây nông nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm