Ông Tập Cận Bình kêu gọi giải pháp ngoại giao cho căng thẳng Nga-Ukraine

Tờ South China Morning Post đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 16-2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Zuma/AFP

“Tất cả các bên liên quan cần bám sát định hướng chung của một sự dàn xếp chính trị, tận dụng triệt để các nền tảng đa phương, bao gồm định dạng Normandy, và tìm kiếm một giải pháp toàn diện đối với vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn” - ông Tập nói.

Theo tuyên bố từ phía Pháp sau cuộc điện đàm, ông Tập “đã ca ngợi hành động của Pháp và Đức trong khuôn khổ định dạng Normandy và nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn của ông đối với việc thực hiện Nghị định thư Minsk”.

Định dạng Normandy là các cuộc đàm phán giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine được tổ chức vào năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea nhằm mục đích tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột.

Nghị định thư Minsk là một nỗ lực ba bên nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, có sự tham gia của Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE).

Tuyên bố của ông Tập đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực phía đông châu Âu tiếp tục gia tăng. Việc triển khai hơn 130.000 binh lính Nga ở biên giới với Ukraine đã làm cho quan hệ giữa liên minh châu Âu (EU) và Nga xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Ngoài ra, cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Pháp và Trung Quốc còn đề cập đến hàng loạt các vấn đề khác. 

Liên quan tới căng thẳng giữa Lithuania và Trung Quốc sau sự kiện quốc gia Đông Âu này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ở Thủ đô Vilnius với tên gọi "Đài Loan" thay vì "Đài Bắc", Tổng thống Macron “khuyến khích Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Lithuania và giải quyết các yêu cầu của phía Trung Quốc thông qua đối thoại”.

Tổng thống Pháp cũng nêu vấn đề nhân quyền tại khu vực Tân Cương và việc Trung Quốc không phê chuẩn “các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)”. Hai bên cũng đã thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân Iran.

Tuy vậy, cả hai đều nêu ra các cách thức để hợp tác cùng nhau. Đối với Pháp, điều này liên quan đến “nỗ lực gấp đôi để hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực hàng không, hạt nhân dân dụng và vũ trụ”. Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng các hợp tác sẽ liên quan đến nông nghiệp, sản xuất xanh, hàng không dân dụng và các dự án chung tại các thị trường thứ ba.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm