Phương Tây thúc đẩy ngoại giao để hóa giải xung đột Nga - Ukraine

Ngày 15-2 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo sẽ rút bớt một lượng lớn binh sĩ đang tập trung gần biên giới Ukraine với lý do các đơn vị quân này đã hoàn thành hoạt động huấn luyện cần thiết ở đây, theo hãng tin AP. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu đơn vị rời khỏi khu vực biên giới và không rõ việc rút quân sẽ có tác động gì đến tổng số quân xung quanh biên giới với Ukraine hay không. Tuy nhiên, đây là thông báo đầu tiên trong nhiều tuần qua của Nga về việc rút quân và đã được các bên liên quân đón nhận bằng nhiều phản ứng khác nhau thông qua các hoạt động ngoại giao ngay sau đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ảnh: THE NIKKEI

Phương Tây đẩy mạnh hoạt động ngoại giao

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu cùng ngày khẳng định ông đã nhận được thông tin phía Nga rút bớt quân ở biên giới Ukraine, tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng và tình báo Mỹ hiện vẫn ước tính có khoảng 150.000 binh sĩ Nga đang hiện diện liên tục, theo hãng tin Reuters.

Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục nhấn mạnh ngoại giao vẫn là phương án tốt nhất cho tình hình hiện tại. Nếu Nga quyết tâm tấn công Ukraine, Mỹ và đồng minh đã chuẩn bị để phản ứng lại bằng các lệnh trừng phạt nhắm tới cô lập chính trị Nga và gây thiệt hại kinh tế nước này.

“Mỹ và NATO không phải là mối đe dọa cho Nga. Ukraine cũng không đang đe dọa Nga. Cả Mỹ và NATO đều không đang có tên lửa đặt trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi cũng không có ý định làm điều đó trong tương lai. Chúng tôi không nhắm mục tiêu vào người dân Nga, chúng tôi không có ý đồ gây bất ổn ở Nga” - ông Biden khẳng định. Ông cũng gửi thông điệp đến trực tiếp người dân Nga rằng nước Mỹ không xem họ là kẻ thù và họ chắc chắn cũng không muốn nổ ra một cuộc chiến tranh khốc liệt với Ukraine.

Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng có điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về các diễn biến mới nhất trong căng thẳng Nga - Ukraine. Thông báo của Nhà Trắng về sự kiện cho biết hai bên tiếp tục nhất trí ngoại giao là lựa chọn phù hợp để giải quyết bất đồng; hai nước thời gian tới sẽ nỗ lực phối hợp với các đồng minh châu Âu khác để xác minh các tuyên bố rút quân của Nga và đưa ra những phản ứng thích hợp hơn cho tình hình sắp tới cũng như tăng cường hàng phòng thủ ở sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoài Mỹ thì Đức, với tư cách là một trong những đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), thời gian qua cũng liên tục thực hiện các biện pháp ngoại giao nhằm hỗ trợ xuống thang căng thẳng ở Đông Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15-2 đã trực tiếp đến thủ đô Moscow để đối thoại với Tổng thống Vladimir Putin. Hãng thông tấn TASS cho hay tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Putin đã khẳng định Nga không muốn xảy ra chiến tranh ở châu Âu và nước này sẵn sàng hợp tác, tiếp tục đối thoại với phương Tây về các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, ông chỉ trích sự phản hồi của châu Âu về các đề xuất an ninh của Nga.

“Họ nói Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập NATO và nước đó sẽ không gia nhập trong nay mai. Nhưng tới khi họ sẵn sàng thì chúng ta đã chậm chân. Vì vậy, chúng ta phải quyết định vấn đề này ngay bây giờ, trong tương lai gần” - ông Putin nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Scholz tỏ ra hoan nghênh việc Nga rút bớt quân tại khu vực biên giới với Ukraine, khẳng định vẫn còn khả năng tìm giải pháp cho căng thẳng bằng con đường ngoại giao. Nhà lãnh đạo này còn tuyên bố một số đề xuất an ninh của Nga “đáng để thảo luận”. Theo ông, Nga là một phần cốt yếu trong việc duy trì an ninh tại châu Âu và an ninh bền vững chỉ có thể đạt được khi hợp tác với Moscow.

Ukraine vẫn phát ngôn rắn

Ngay sau thông tin Nga rút bớt quân, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã lập tức có cuộc gặp với người đồng cấp Ý Luigi Di Maio ở thủ đô Kiev để bàn về tình hình căng thẳng với Nga. Ông Kuleba cho biết cá nhân ông vẫn nghi ngờ độ xác thực của tuyên bố từ Nga và sẽ cần trực tiếp nắm được thông tin, hình ảnh từ thực địa do tình báo Ukraine thu thập mới có thể quyết định bước đi tiếp theo, theo đài CNN.

Ngoài ra, hai quan chức Ukraine và Ý đều nhất trí không ai ngoài NATO và Ukraine có quyền quyết định chuyện Ukraine có được gia nhập liên minh quân sự này hay không. Phía Ý cũng ủng hộ Ukraine rằng Nga không nên có quyền tác động tới triển vọng và vị trí của Ukraine trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Hơn nữa, “các hành động gây hấn” của Nga quanh Ukraine không chỉ là vấn đề của riêng Ukraine mà là vấn đề của toàn châu Âu - Đại Tây Dương và an ninh toàn cầu nói chung.

Ông Di Maio sau khi thăm Ukraine cũng sẽ đến Nga để tiếp tục thảo luận về tình hình căng thẳng đang diễn ra hiện nay. Do đó, ông Kuleba kỳ vọng người đồng cấp Ý sẽ có thể thuyết phục giới lãnh đạo rằng việc tấn công Ukraine là không thể và rất khó chấp nhận.

Trên thực tế, phía lãnh đạo Ukraine ngay từ đầu khủng hoảng đã tỏ ra không tin rằng Nga sẽ thực sự mở một cuộc tấn công nhằm vào nước này, bất chấp các phản ứng tiêu cực của đồng minh phương Tây. Gần đây nhất, một nhân vật thân cận với Tổng thống Volodymyr Zelensky là chủ tịch đảng Người phục vụ của nhân dân (SN) trong quốc hội Ukraine David Arakhami lại một lần nữa khẳng định không có chuyện Nga sẽ sớm mở đợt tấn công như đồn đoán, theo đài RT.

“Vào cao trào căng thẳng đầu năm ngoái, Nga huy động tới 220.000 binh sĩ và khí tài vây quanh biên giới Ukraine, về lý thuyết là đủ lực lượng để mở một cuộc tấn công. Bây giờ Nga tập trung 123.000 quân, chỉ bằng phân nửa lúc đó” - ông Arakhami nói.

Ông cũng nói thêm về mặt quân sự, một cuộc tấn công quân sự tổng lực lúc này là không thể xảy ra. Tình báo Ukraine không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy phía Nga đang chuẩn bị để làm điều đó. Do đó, ông có thể tự tin tới 99,9% rằng sẽ không có bất cứ hành động quân sự đáng kể nào từ Nga trong ngày 16-2.•

 

Ngày 15-2, phía Ukraine bất ngờ tuyên bố cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng nước này cùng trang web của hai ngân hàng Ukraine đã bị tin tặc Nga tấn công. Moscow chưa lên tiếng phản hồi vụ việc.

Theo hãng tin AFP

Ông Putin phản ứng ra sao trước các dự đoán về thời điểm Nga tấn công Ukraine?

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik ngày 16-2, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được thông tin về những bình luận và phỏng đoán của phương Tây về thời điểm và khả năng Nga sẽ tấn công Ukraine.

Ông Peskov cho biết mỗi khi ông Putin nghe về những “tuyên bố kỳ lạ” mà truyền thông phương Tây đăng tải thì ông lại bật cười và nói đùa. “Thật sự rất khó hiểu về những thông tin mà họ đăng tải và Tổng thống Putin thỉnh thoảng hay nói đùa là ông muốn xem thử đã có ai đăng chính xác ngày và giờ cuộc chiến sẽ bắt đầu hay chưa” - ông Peskov nói, đồng thời cho biết là nhiều lúc rất khó nắm bắt dòng thông tin hỗn loạn xung quanh tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Trước đó, một số báo đài và hãng truyền thông ở Đức, Anh và Mỹ liên tục đưa tin rằng Nga có thể tấn công Ukraine vào khoảng 3 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 16-2. Hầu hết nguồn tin của các bên được ghi là tình báo Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm