"Chiến tranh khoa trương" leo thang ở Bình Nhưỡng

Báo Sankei Shimbun (Nhật) ngày 6-4 dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết Mỹ chuẩn bị triển khai một máy bay thám thính không người lái Global Hawk đến căn cứ không quân Misawa của Mỹ ở miền Bắc nước Nhật.

Nhật chuẩn bị chiến tranh

Mục đích triển khai máy bay không người lái nhằm tăng cường giám sát CHDCND Triều Tiên (tên thường gọi là Triều Tiên) trong bối cảnh Triều Tiên đã di chuyển hai tên lửa đến bờ biển phía Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay không người lái Global Hawk đến Nhật.

Báo Sankei Shimbun cho biết hồi tháng trước, quân đội Mỹ đã thông báo với Nhật về kế hoạch triển khai máy bay không người lái nêu trên. Dự kiến thời gian triển khai vào giữa tháng 6 và tháng 9. Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, quân đội Mỹ đã quyết định triển khai máy bay không người lái sớm hơn.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yosihide Suga thông báo hôm 5-4, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị chuẩn bị kế hoạch đối phó khẩn cấp trong trường hợp Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích mới.

Ông Yosihide Suga cho biết trong kế hoạch đối phó khẩn cấp có công tác bảo đảm an ninh cho công dân Nhật và tăng cường hoạt động tình báo thu thập thông tin về tình hình Triều Tiên.

Ông nhấn mạnh chính phủ Nhật đã chuẩn bị cho tình hình xấu nhất khi chiến tranh bùng nổ. Ông ghi nhận Nga và Trung Quốc có thể sẽ sử dụng ảnh hưởng nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 5-4 (giờ địa phương), người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định Triều Tiên có bắn tên lửa thì cũng không gây ngạc nhiên cho Washington. Ông lưu ý Bình Nhưỡng đã từng bắn tên lửa trong quá khứ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục kêu gọi mọi hành động khiêu khích thêm nữa của Triều Tiên đều rất đáng tiếc.

"Chiến tranh khoa trương" leo thang ở Bình Nhưỡng ảnh 1

Con tin “bồ câu và cành ô-liu”.

Bình Nhưỡng chỉ "gợi ý" sơ tán

Ngày 5-4, Triều Tiên đã thông báo đến khoảng 20 sứ quán ở Bình Nhưỡng rằng từ ngày 10-4, Triều Tiên không thể bảo đảm an ninh cho các sứ quán và các tổ chức quốc tế trong bối cảnh chiến tranh có thể bùng nổ. Triều Tiên cũng gợi ý các sứ quán nên sơ tán nhân viên.

Bộ Ngoại giao Pháp giải thích thêm Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã mời toàn bộ các đoàn ngoại giao, các cơ quan LHQ, các tổ chức phi chính phủ và giám đốc Văn phòng Pháp tại Bình Nhưỡng (Pháp không có sứ quán ở Triều Tiên) để phổ biến thông báo nêu trên. Theo báo Le Monde (Pháp), Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố đánh giá nghiêm túc tình hình ở Triều Tiên nhưng không dự định sơ tán công dân Pháp ở Triều Tiên (khoảng 15 người). Phản ứng trước thông báo trên của Triều Tiên, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định các nhân viên LHQ tiếp tục làm việc bình thường tại Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Bulgaria thông báo ngày 6-4, trưởng các đoàn ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) ở Bình Nhưỡng nhóm họp để nhất trí về một phương thức đối phó chung và một hành động chung.

Trong khối EU, bảy nước Đức, Anh, Thụy Điển, Ba Lan, Romania, Cộng hòa Czech và Bulgaria có phái đoàn ngoại giao tại Bình Nhưỡng. Các nhà ngoại giao bảy nước EU thường xuyên tiếp xúc để thẩm định tình hình.

Hãng tin Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố nhân viên Đại sứ quán Ba Lan ở Bình Nhưỡng vẫn làm việc bình thường. Bộ đánh giá thông báo nêu trên của Triều Tiên chỉ mang tính chất khoa trương.

Theo hãng tin AP, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech khẳng định không rút nhân viên ngoại giao khỏi Bình Nhưỡng. Trong khi đó, RomaniaBulgaria thảo luận với EU về vấn đề này: Chỉ là luận điệu khoa trương!

Bộ Ngoại giao Đức thông báo Bộ vẫn thường xuyên đánh giá tình hình an ninh và khả năng nguy hiểm của Đại sứ quán Đức tại Bình Nhưỡng đồng thời Ngoại trưởng Guido Westerwelle thường xuyên nhận được báo cáo về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Đức khẳng định ở thời điểm này, Đại sứ quán Đức làm việc bình thường.

Bộ Ngoại giao Anh ra thông cáonhận định đây là ví dụ mới cho thấy Triều Tiên tiếp tục luận điệu khoa trương hiếu chiến. Bộ đã thông báo với Triều Tiên rằng Triều Tiên phải có nghĩa vụ bảo vệ các đoàn ngoại giao.

Bộ Ngoại giao Anh đã tham vấn các đối tác quốc tế về diễn biến tình hình Triều Tiên và cho biết hiện thời Bộ chưa có quyết định gì hết đồng thời không có ý định rút nhân viên ngoại giao khỏi Bình Nhưỡng vào thời điểm này.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố Nga muốn làm rõ tình hình nên đã đề nghị Triều Tiên giải thích xem đây là chỉ thị yêu cầu sơ tán hay chỉ là gợi ý đơn thuần. Ông cho biết ông cũng đã tiếp xúc với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc để xác định động cơ nào sau thông báo của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói: “Không có gì bất thường. Đại sứ quán làm việc bình thường... Tôi có thể bảo đảm tình hình lúc này cực kỳ yên tĩnh ở Bình Nhưỡng. Chúng tôi không quan sát thấy căng thẳng nào...”.

Đánh động Nga và Trung Quốc

Hiện thời không có dấu hiệu tổng động viên hay chuẩn bị chiến tranh gì ở Triều Tiên. Ngày 5-4 (giờ địa phương), ông Alexandre Jebine, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Viễn Đông (Nga), đã phát biểu với hãng tin RIA Novosti (Nga) như trên.

Ông nhận định: “Yêu cầu sơ tán các sứ quán phải là một quyết định có trách nhiệm. Chiến tranh tuyên truyền đang bành trướng trên bán đảo Triều Tiên. Quyết định yêu cầu sơ tán các sứ quán của chính phủ Triều Tiên chắc là để thu hút sự chú ý hơn nữa của Nga và Trung Quốc”.

Theo ông, Bình Nhưỡng có thể lo ngại khi Mỹ điều động thêm tàu chiến và máy bay đến bán đảo Triều Tiên đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng trả đũa đích đáng đối với Triều Tiên. Bởi thế, Bình Nhưỡng muốn gửi tín hiệu đến Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế rằng cần phải sẵn sàng để hiểu rằng nên tránh gây chiến. Ông kết luận: Chiến tranh nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cũng đều làm phương hại đến an ninh của Nga và Trung Quốc.

Tại Pháp, nhà sử học Pierre Rigoulot, Giám đốc tạp chí Lịch sử và Tự do, đưa ra giả thiết về các đe dọa của Bình Nhưỡng:

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn trẻ, mới 28 tuổi, chưa được đào tạo bài bản mà lại thăng tiến quá nhanh nên có thể tuyên bố hung hăng chỉ để chứng tỏ quyền lực chỉ đạo quân đội, chứng tỏ đủ bản lĩnh như cha và ông nội.

 Trong nội bộ Triều Tiên có nhiều phe phái và ông Kim Jong-un muốn khẳng định vai trò của quân đội ở vị trí ưu việt trong bối cảnh đất nước vẫn chưa hòa bình, hiệp định hòa bình lâu dài với Hàn Quốc vẫn chưa được ký kết.

Ông cũng cho rằng phần lớn các chuyên gia đạn đạo và vũ khí hạt nhân đều đánh giá Bình Nhưỡng không đủ khả năng tấn công đến Mỹ và Bình Nhưỡng cũng hiểu rõ nếu tấn công Mỹ hay Nhật thì sẽ bị trả đũa tàn khốc ngay tức khắc.

Ngày 6-4, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo trong ngày có 92 lao động Hàn Quốc rời khu công nghiệp liên Triều Kaesong ở Triều Tiên, như vậy bên trong khu công nghiệp Kaesong còn 516 lao động Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết nếu tình hình tiếp tế nguyên liệu và nhân công cho khu công nghiệp liên Triều Kaesong tiếp tục bị phong tỏa nhiều ngày nữa thì họ bắt buộc phải chấm dứt hoạt động trong khu công nghiệp này.

Lãnh tụ Fidel Castro: Tình hình khó tin và phi lý!

Báo Granma và nhiều báo ở Cuba ngày 5-4 (giờ địa phương) đã đăng bài viết của lãnh tụ Fidel Castro (năm nay 86 tuổi) khuyến cáo Triều Tiên nên tránh gây chiến. Ông đánh giá tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên thật khó tin và phi lý.

Ông ghi nhận tình hình bán đảo Triều Tiên hiện thời đã gây ra một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất trong xung đột hạt nhân kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962. Ông nhận định trong trường hợp xung đột hạt nhân xảy ra, nhân dân trên bán đảo Triều Tiên sẽ bị hy sinh một cách thảm khốc và Tổng thống Barack Obama sẽ trở thành con người độc địa nhất lịch sử nước Mỹ. Ông nói nghĩa vụ tránh xảy ra xung đột phải là nghĩa vụ của Tổng thống Obama và nhân dân Mỹ.

Bài viết của lãnh tụ Fidel Castro có đoạn: “Hiện thời trong khi Triều Tiên thể hiện thành tựu kỹ thuật và khoa học, chúng tôi cần nhắc Triều Tiên nghĩa vụ đối với các nước khác vốn là bạn bè lớn của họ. chúng tôi cũng muốn nói: sẽ bất công khi quên rằng một cuộc chiến như thế sẽ ảnh hưởng đến hơn 70% dân số thế giới”.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm