Chiết khấu cao khiến hàng hóa, sản phẩm xanh khó vào siêu thị

(PLO)-Doanh nghiệp đề xuất ở giai đoạn đầu, các siêu thị chia sẻ mức chiết khấu cho sản phẩm xanh dưới 20%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-1, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cùng Tổng Công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra), MM Mega Market Việt Nam ký kết biên bản hợp tác hỗ trợ thị phần - thương hiệu cho doanh nghiệp (DN) đạt “Doanh nghiệp xanh” năm 2023 .

Doanh nghiệp TP.HCM đi đầu trong xanh hóa

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây cho biết, cộng đồng DN TP.HCM đi đầu trong xanh hoá với 90 DN đạt danh hiệu xanh do UBND TP.HCM trao tặng.

Có thể xem DN xanh là những DN đã “lớn”, đã hoàn thiện các tiêu chí để xuất khẩu. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng đặt vấn đề vì sao những sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu nhưng vẫn khó vào các siêu thị Việt Nam.

Hơn nữa, nhiều sản phẩm Việt Nam bán ra nước ngoài nhưng vẫn chưa có thương hiệu riêng. Làm sao để khách nước ngoài tới Việt Nam nhận định đây là sản phẩm đã bán ở các nước. Do đó, DN xanh cần sản xuất các sản phẩm với chất lượng đồng nhất với mức giá phù hợp.

“Để đưa hàng hóa vào siêu thị các doanh nghiệp phải chịu mức chiết khấu cao, từ 25%-30%, trong khi đó để có thể đạt được chứng nhận DN xanh, DN phải đầu tư chi phí sản xuất rất lớn. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, kiến nghị các siêu thị chia sẻ mức chiết khấu cho sản phẩm xanh dưới 20%”- bà Giàu nói.

Bên cạnh các ý kiến về giá, ông Trần Văn Phát, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư Robot đề xuất việc siêu thị mở rộng chủng loại sản phẩm xanh để có thêm DN xanh đưa được hàng hóa tới người tiêu dùng.

“Các siêu thị ngoài kinh doanh nông sản thực phẩm, sắp tới nên chăng có gian hàng sản phẩm khác để chúng tôi có thể tham gia, để sản phẩm xanh tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn”-ông Phát nói.

xanh-chiet-khau-1191.jpg
Các đơn vị kí kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp xanh. ẢNH: TÚ UYÊN

Chuyển đổi xanh, cơ hội tiếp cận nguồn vốn kích cầu của thành phố

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, công ty cam kết không có bất cứ sự thiếu minh bạch nào trong quá trình làm việc với nhà cung cấp.

“Không có lý do gì sản phẩm của DN tốt mà không bán được cho NTD Việt, đặc biệt là DN xanh”-ông Toàn nói.

Bên cạnh đó, không nhất thiết sản phẩm cứ phải nằm trên kệ hàng các siêu thị mới tới tay người tiêu dùng, vì chiến lược sản phẩm của mỗi đơn vị khác nhau. Tuy nhiên với sản phẩm xanh, đặc biệt như sản phẩm OCOP, TP.HCM tổ chức nhiều cuộc kết nối và được ưu tiên bày bán tại các siêu thị.

Về vấn đề chiết khấu, MM Mega Market cam kết đồng hành hỗ trợ DN.

Bà Phạm Thị Vân, Phó Tổng Giám đốc Satra cho biết, trong 90 DN đạt danh hiệu xanh Satra đã bắt tay cùng 17 DN đưa sản phẩm xanh vào hệ thống bán lẻ của đơn vị.

Theo bà Vân, qua kí kết toàn diện này Satra sẽ có các khoản ưu tiên cho DN xanh về chiết khấu trên hợp đồng.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ xem xét các khoản hỗ trợ, trưng bày, chiết khấu trên hợp đồng để các DN yên tâm là minh bạch. Chúng ta cùng bắt tay để triển khai những vấn đề đã kí kết và cụ thể hóa bằng những hợp tác sắp tới”-bà Vân nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết, theo nghị quyết 98 HFIC là đầu mối cung cấp nguồn vốn kích cầu đầu tư của thành phố.

Theo đó, tất cả các dự án, nếu DN tham gia vào hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đều được tiếp cận nguồn vốn kích cầu của thành phố. Vốn vay tối đa 200 tỉ đồng/dự án, DN được hỗ trợ lãi suất 100% trong vòng bảy năm.

“Với sự vào cuộc đồng bộ của nhà bán lẻ, nhà sản xuất, cơ quan truyền thông, cơ chế chính sách nhà nước, đặc biệt là vốn. Chúng ta sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”-ông Hòa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm