Tôi như một loài chim di trú: sinh ra ở miền Trung, lớn lên ở vùng miền núi phía nam, lên Sài Gòn học đại học và rồi chẳng lâu sau thì sang nước Đức du học.
Đến vùng đất hứa nhiều màu sắc
“Di trú” đến Đức là một hành trình nhiều thử thách phức tạp đối với khối óc lẫn cảm xúc. Không rõ vì lòng nhân ái hay sự tính toán để vực dậy dân số già nua, Đức đã mở cửa đón chào hàng triệu người nhập cư từ khắp châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Đến giờ bạn sẽ không dễ phân biệt rạch ròi người Đức và người nhập cư, đồng thời cũng sẽ thấy hoang mang khi nghe thấy hàng chục “ngôn ngữ lạ” trên đất nước này. Nhiều màu sắc văn minh vô tình đan xen vào nền văn minh Đức vốn có tiếng cứng cỏi như những “cỗ xe tăng”, tạo nên một sự “hỗn loạn” thú vị với chính bản thân những người Đức “thứ thiệt”.
Người Đức làm việc rất kỷ luật, có trách nhiệm nhưng khoản “ăn chơi nhảy múa” cũng không hề thua kém ai. Những quán bar, club bắt đầu ồn ào từ 10 giờ đêm đến tận 3 giờ sáng với rượu bia, thuốc lá, những nụ hôn chếnh choáng xa lạ và cả những tiếng cười, tiếng rú thất thanh giữa đêm của các nhóm thanh niên. Nó dễ khiến một người hoài cổ như tôi nhớ đến những buổi acoustic du dương, dịu dàng và ngồi bên ánh đèn vàng là những đôi tình nhân chỉ im lặng nhìn nhau cười hạnh phúc. Thằng em trai tôi thi thoảng “đốn ngã” nhiều trái tim xa xứ với giai điệu quen thuộc “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày...” do một tay ghi-ta tài tình nào đó đệm nhạc vào những đêm thứ Bảy.
Ở Đức, tôi bắt gặp những bữa cơm không hợp khẩu vị, những chuyến tàu đêm dài tăm tắp vắng bóng người, những buổi sáng cuốc bộ hơn cây số đến trường dưới trời mưa lâm râm và tiết trời rét cóng ở thành phố Ilmenau thưa người. Những điều đó làm tôi nhớ da diết sự nồng ấm của bữa cơm gia đình - thứ mà tôi nhiều lần phung phí ở quê nhà do mải mê công việc hay ngấu nghiến những dòng tin nhắn trên Facebook.
Với người Việt, tết ở trời Tây có khi là sự cô đơn, lạnh lẽo. Ảnh: VINH VÕ
Lạ lẫm tết trời Âu
Mẹ tôi luôn lo lắng cho “đứa con di trú” như tôi. Hễ tiết trời trở lạnh là bà lại hỏi: “Năm nay khi nào con về ăn Tết?” và vui mừng khi “đứa con di trú” về đến trước ngõ bình an, ăn tết ở nhà. Trời miền Trung nước Đức những ngày cuối năm tuyết rơi kèm gió rít cắt da cứa thịt khiến lòng tôi quạnh quẽ khi phải bấm bụng nói với bà: “Năm nay con không về ăn tết được”, rồi vội vã an ủi “nhưng tết năm sau con về nha”. Mẹ tôi buồn bã không nói được thêm câu nào. Loài chim di trú luôn tìm về vùng đất mùa xuân ấm áp để tránh đông, còn tôi thì đang chống lại cái lạnh tái tê cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi phải đón tết xa quê.
Dịp Giáng sinh đến năm mới, người Đức tổ chức như thể người Việt mừng tết nguyên đán. Dẫu có bận đến mấy và làm việc ở đâu, mọi người cũng thu xếp tìm về đoàn tụ với gia đình, ngồi quây quần bên bàn tiệc có nến lung linh, có sườn cừu, thịt bò và cả món cá nướng thơm lừng. Họ cùng nâng ly chúc tụng và nhấp ngụm rượu vang chan chát đầu lưỡi mà ngọt lịm tấm lòng. Mấy đứa bạn người Tây bảo tôi “đó là dịp lễ của gia đình”.
Những hôm dạo bước cùng đám bạn khám phá chợ Giáng sinh, nhìn hình ảnh những gian hàng đầy màu sắc, các gia đình tay trong tay chọn quần áo và đèn Giáng sinh…, tôi mới thấm thía cảm giác không tết đâu bằng tết ở nhà. Những cây thông Noel lộng lẫy không làm tôi thôi nhớ gốc mai vàng to lớn, xù xì trước cổng nhà cũng trạc tuổi tôi. Chính tay ba tôi mang về trồng, chăm sóc và bấm cành chưng tết hằng năm. Đến khi ba tôi “biệt đời”, tôi thế ông trang hoàng cành mai mỗi độ xuân về.
Hình ảnh mâm ngũ quả đặt cạnh tô gạo-muối, có chậu hoa vạn thọ vàng tươi và mấy chung rượu trắng, bình trà đặc với sáu chén cháo trắng vào đêm giao thừa đã in sâu vào tâm khảm của tôi. Ba mẹ con cùng đi chùa ngay trong đêm giao thừa cầu an lành, vui cười chúc tụng những người hàng xóm đầu tiên trong năm mới. Gió xuân ở quê lúc nào cũng có chút mùi thơm thoang thoảng của hoa cúc tết hòa tan mùi hương liệu ấm áp và ngọt lịm khó tả, làm tôi hít căng tràn lồng ngực vào thời khắc giao thừa và sáng mồng một tết hằng năm.
Nhớ da diết chén canh mẹ nấu
Tết nhà tôi không sang nhưng tươm tất: có thịt kho trứng, có bánh tét và những món dưa hành, củ kiệu. Năm nào mẹ tôi cũng làm món canh khổ qua mà tôi nửa đùa nửa thật là “canh trái đắng”. Biết sở thích của tôi nên mẹ hầm khổ qua rất kỹ, không quên nêm nếm đậm đà. Tô cảnh khổ qua hầm của mẹ lúc nào nước cũng trong veo, sóng sánh ít mỡ heo tiết ra từ thịt bằm được mẹ tôi nhào gia vị rồi nhồi vào trong trái khổ qua rất kỹ. Tôi thích cắn một miếng khổ qua lớn, húp chút nước đăng đắng từ khổ qua, ngòn ngọt từ thịt hầm, thơm phảng phất chút hành lá, cay cay và nồng nàn mùi hạt tiêu.
Mẹ bảo năm mới ăn canh khổ qua cho mọi thứ đau khổ, cay đắng sẽ trôi qua, rồi nhìn chúng tôi húp cạn tô canh mới thấy an lòng. Khổ qua là “trái đắng”, thứ mùi vị mà mẹ tôi đã nếm đủ (thậm chí là thừa) quá nửa cuộc đời vì gia đình và vì “đôi cánh” để anh em tôi “di trú” khắp nơi. Bước qua nửa bên kia của cuộc đời và nếm không biết bao trái đắng khổ qua, nhưng cái khổ vẫn theo mẹ tôi như định mệnh. Mẹ tôi già yếu nhiều sau bao mùa hoa khổ qua tàn rồi nở, còn tôi lại đâm ra thích vị đắng-cay-thơm-nồng-ngọt của món canh mẹ nấu mỗi độ tết về, bởi đó là vị canh tuyệt vời nhất trong suốt những ngày tháng bon chen ngược xuôi ở những miền đất hứa xa xôi.
Tết ở Đức không thiếu đặc sản gì. Nhưng giữa dòng người nhiều màu da, đa sắc tộc khiến người ta dễ dàng lọt thỏm vào sự cô độc lạnh lẽo. Tuyết rơi trắng xóa cõi lòng. Biết tìm đâu ra chén canh khổ qua mẹ nấu rồi hiền từ giục tôi húp cạn. Nếm “trái đắng” trên đường đời không ít, vậy mà tôi vẫn thèm điên đảo chén canh trái đắng của mẹ tôi. Ngoài trời gió rít tuyết bay bay, bên kia đại dương cành mai nở rộ vẫn đợi chờ bàn tay người bấm cành, trang trí mừng tết đến. Trên đường đi học về, đôi môi tím tái mấp máy thì thầm:“Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình!”.