Thằng Tít đi học về, mặt buồn so. Mẹ gặng hỏi vì sao buồn, Tít trả lời bằng một câu hỏi khác: Bạn Tin năm nào cũng được về quê ăn tết, sao mình không có tết ở quê hả mẹ? Đối với bao nhiêu đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố, bố mẹ cũng là người phố thì tết quê là một cái gì đó rất xa xỉ.
Tết không chỉ là một kỳ nghỉ dài
Như một quy luật, cứ từ tháng Chạp trở đi là người dân từ các tỉnh lên những thành phố lớn mưu sinh lại lũ lượt trở về đoàn viên ở quê nhà. Họ trả lại cho chốn thị thành những con phố vắng vẻ dài xao xác cùng không gian trầm lắng, yên bình.
Người thị thành đón tết mỗi nhà mỗi vẻ. Có người đã lên kế hoạch từ trước đó cả tháng cho những chuyến du lịch cả nhà ở những nơi xa. Giàu thì đi muôn nẻo trời Tây, chưa giàu lắm thì tìm tới những điểm du lịch trong nước. Tết với người phố đôi khi chỉ là một quãng nghỉ dài ngày để gia đình sum vầy bên nhau mà không vướng bận công việc. Với những người “vô tình” hơn, tết chỉ là một khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Chấm hết!
Tết ở phố, người ta cũng làm mâm cỗ để cúng gia tiên. Nhà này cũng đến thăm nhà kia, mâm cỗ tràn trề lời chúc xôm tụ… Ấy nhưng đối với những người có quê để về những ngày tết thì tết ở quê ý nghĩa hơn rất nhiều.
Dịp tết, tất cả con cái dù làm ăn ở đâu cũng tề tựu về với quê hương bản quán. Những gia đình nhỏ sẽ đưa con cái đi tảo mộ, nói cho chúng nghe về nguồn gốc của gia đình, về những mối quan hệ nhằng nhịt người quen. Ngày tết, bố mẹ sẽ đưa con đến nhà họ hàng, những cuộc thăm hỏi cứ thế dài như bất tận.
Tết ở quê là cuộc gặp gỡ của những người đi xa cả năm mới về một lần. Có người đã dăm năm mới đặt chân về chốn cũ. Cảnh khác người cũ, có lẽ vì thế mà tết quê ấm áp, chộn rộn tình thân ân tình kỷ niệm hơn.
Mẹ phải mua Tết cho con
Trở lại chuyện thằng Tít, câu hỏi ngây thơ của con trẻ khiến cho người mẹ thoáng chút bối rối. Chị là con gái phố cổ, lấy chồng cũng là người Hà Nội. Cả nhà nội ngoại bao đời đều sinh ra và lớn lên trong những chật chội đô thành này.
Chị dỗ dành bảo con: “Nhà mình không có quê đâu con, tết ở đây cũng vui như tết quê mà, cũng có ông bà, cũng có các bác, các chú và cả tiền mừng tuổi cho con nữa đấy thôi”. Thằng Tít không chịu, giãy nảy: “Bạn Tin kể tết quê khác cơ, không giống tết ở nhà mình. Mẹ phải mua tết cho con, mua cho con cả ông bà ở quê nữa. Con muốn được ăn tết quê như nhà bạn Tin”.
Thương con, người mẹ cũng chạnh lòng khi chợt nghĩ từ nhỏ đến lớn mình cũng không biết tết quê như thế nào. Thế là thay cho chuyến du lịch Trung Quốc như dự định, chị quyết tâm năm nay đưa con về thưởng thức tết ở một vùng quê.
Nhưng cái ý nghĩa của tết quê đâu phải ở một chuyến đi lững lờ kiểu lữ khách du lịch, đó phải là một chuyến đi đầy tình cảm như đứa con trở về quê cũ. Trăn trở của chị cuối cùng cũng được bố chồng giải quyết. Hóa ra lần về xa xa gốc tích gia đình bên chồng vốn cũng có dòng họ ở quê, nhưng cũng đến mấy chục năm nay chưa ai về đó để hương khói chứ nói gì đến tết.
Ở quê sau tết sẽ là những ngày dòng họ tế tổ. Các gia đình trong họ sẽ góp cỗ hoặc góp xôi thịt để cúng tổ tiên. Ngày tế tổ, tất cả con cháu tụ tập lại để dâng hương tạ lễ, nhà có con mới sinh thì làm lễ nhập họ, vợ chồng chưa có con cái sẽ làm lễ cầu tự… Thế nên, chuyến về tết này của gia đình còn có ý nghĩa như một chuyến tiền trạm để ngày họ cả gia đình cùng về khấn vái tổ tiên.
Vậy là bố chồng chị được giao trọng trách kết nối với những người thân ở quê, nơi ông vẫn còn gốc họ hàng, để gia đình có một chuyến về thăm quê ăn tết. Người quê vốn trọng tình người, nhất là những người ở thành phố tưởng như sang trọng mà vẫn nhớ về bản quán dù đã xa lắc xa lơ. Rất nhanh, ông bác trong họ hoan hỉ đón nhận tin đó và sẵn sàng để cho gia đình chị được tá túc những ngày về hưởng tết quê.
Vùng quê những ngày chị về vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu lắm. Chị vẫn nhớ đêm ở trong nhà ông bác họ hàng xa, tiếng muỗi vo ve suốt cả đêm, mùi hôi từ khu nuôi heo, bò, gà khiến chị gần như ngộp thở, chuyện đi vệ sinh thì quả là một cực hình. Thế nhưng thằng Tít lại hết sức vui mừng với cái tết đậm chất quê ấy. Nó đã kịp quen bao nhiêu bạn ở quê, nó được theo bố đi tảo mộ, được biết rằng củ cà rốt ở dưới đất chứ không phải lúc lắc như quả sấu trên cây. Nó cũng biết được thế nào là cái tình của người quê trong tết quê…
Lặt lá, trang trí cho mai là điều xa xỉ đối với trẻ em thành phố. Ảnh: Thùy Trang
Người phố thích Tết quê
Gia đình Tít không phải là trường hợp hiếm của những người ở phố. Càng ngày người phố càng thích những cái tết quây quần tình nghĩa ở quê nhà. Nhưng không phải ai cũng có may mắn có được nơi chốn đi-về để hưởng trọn tết quê.
Vậy là người ta cố gắng tạo ra cho tết phố những màu sắc riêng, như một sự hồi nhớ hay mô phỏng tết ở quê. Tết ở phố giờ người ta cũng rủ nhau mua chung một con lợn, vật ra giữa sân tập thể để làm rồi cùng chia từng nhà. Có những khu tập thể người ta còn góp đồ gói bánh chưng rồi cùng nhau thức trông bánh qua đêm. Các cư dân phường phố nhờ vậy mà cũng có cớ để gần gũi chuyện trò, hàn huyên chia sẻ. Khói bếp bay lên từ những nồi nấu bánh chưng ở phố, dù có phần hanh hao chật chội, không được tung tẩy thoáng đạt như ở quê đi chăng nữa, nhưng trông cũng rất thi vị.
Tết quê giờ không còn đậm đà như xưa nữa. Người quê xưa thường nói ba ngày tết, còn tết quê bây giờ được rút gọn xuống chỉ hai ngày để mọi người nhanh trở lại với nhịp sống công việc. Nhưng tết quê vẫn có sức hấp dẫn riêng với những người ở phố. Thằng Tít sau năm đầu tiên về quê ăn tết đã không còn buồn khi nghe bạn kể tết ở quê như thế nào nữa. Nó cũng hăng say kể với chúng bạn về những người bạn mới, về những chuyện lạ ở quê mà không bao giờ nó gặp ở phố. Rồi những người bạn đó biết đâu sẽ như Tít, cũng nhăn nhó về mách với mẹ: “Sao nhà mình không có tết quê hả mẹ? Con không cần đồ chơi mới, con cần tết quê như các bạn cơ”…