29 tết, về đến nhà đã thấy mẹ quây lưới sẵn năm con gà dưới gốc tràm, gần mép sông. Hai con gà trống hoa và ba con gà mái ghẹ lục tục nhặt thóc nhìn thật thích. Không hiểu sao tôi cứ thích nhìn hình ảnh mấy con gà nhặt thóc thế này, bởi nó gợi cảm giác xưa cũ, thân quen khó tả…
Mẹ bảo, “Mẹ mua từ trong rằm lận đó, chứ để gần tết mới mua là không có gà thả vườn đâu, toàn gà công nghiệp thôi”.
Nói đến gà, tôi lại nhớ mấy chuyện hồi nhỏ.
1. Khi còn ở Hải Phòng, nhà tôi ở chung cư. Cái chung cư cũ kỹ có từ thời Liên Xô cũ, các căn hộ đều nhỏ xíu, chỉ khoảng trên dưới 30 m2. Căn hộ nhà tôi ở có một căn bếp nhỏ nằm đối diện, cách một lối đi hẹp dẫn vào một căn hộ khác ở bên trong.
Tại căn bếp nhỏ xíu có cái bếp lò quanh năm ủ than sẵn đó, bố tôi có đóng một cái chuồng gà nho nhỏ để nuôi hai con gà “cải thiện đời sống”, như cái cách người ta vẫn nói thời ấy.
Hai con gà được cả nhà chăm chút đặc biệt, nhất là hai chị em tôi. Hằng ngày chúng tôi thích nhất là đứng canh chuồng gà, “rình” nhặt trứng. Ngay khi gà vừa đẻ, tôi lập tức thò tay vào nhặt lấy cái trứng còn nóng hổi chạy bay bay đi tìm bố. Cái Thanh em tôi lon ton chạy theo, miệng la toáng “Gà đẻ bố ơi, gà đẻ!”.
Bố tôi là công nhân, dáng vẻ cao lớn, chắc chắn, xù xì. Bàn tay bố to và đầy vết chai. Nhưng ngược với dáng vẻ ấy, bố lại vô cùng dịu dàng và chiều chuộng hai chị em tôi. Bố rất khéo tay, đan rổ rá bằng nan tre cực đẹp, những chiếc nan tre bố chuốt nhìn căng bóng và đều tăm tắp.
Những cái rổ, cái rá bố làm ra đẹp như ngoài chợ bán, nhà tôi không phải mua những món này ngoài chợ bao giờ. Thời bao cấp khó khăn nên “đỡ được khoản nào tốt khoản ấy”, bố hay nói vậy. Bố còn đóng cả cái chạn bếp đẹp không thua gì ông Long thợ mộc đầu chợ nữa.
À, sở dĩ lan man về sự khéo tay của bố tôi là vì nó có liên quan đến… cái trứng gà ở trên.
Nghe tiếng cái Thanh kêu, bố bỏ tờ báo đang đọc dở xuống, nheo mắt nhìn hai chị em tôi - mặt đang đầy háo hức không kiềm chế được, cười bảo “Được rồi, làm kem nào!”.
Kem trứng gà, đó là một món ăn thần thánh mà cả tuổi thơ hai chị em tôi đều thích mê mẩn.
Tôi chạy ngay đi lấy cái cốc to và lọ đường. Bố đứng lên lấy cái dụng cụ làm kem trên chạn bát. Cái dụng cụ làm kem của bố rất đơn giản, bố làm từ cái đũa và hai chiếc nan tre chuốt thật bóng, thật dẻo. Bố uốn cong hai cái nan lại, rồi buộc bốn đầu nan vào một đầu đũa thật chặt. Nó có hình dáng giống như cái đánh trứng bằng inox thời nay vậy, chỉ khác là nó bằng tre. Ba bố con cùng ngồi xuống cạnh giường và bắt đầu làm kem trứng.
Bố lấy trứng gà từ tay cái Thanh, đập vào cốc, cho chút đường rồi bắt đầu đánh trứng. Hai tay bố áp vào nhau và se đều cho chiếc đũa quay tròn trong chiếc cốc. Bố se chiếc đũa một lúc thì trứng gà đã nở bông lên đầy cốc.
Bố đánh tay nhanh và đều nên kem trứng làm xong vẫn còn ấm nóng, thơm phức, mềm mịn. Hai chị em tôi chia nhau ăn ly kem ngon lành. Mùi vị của ly kem ấy đã theo hai chị em tôi mãi cho tới khi đã trưởng thành.
2. Năm tôi học lớp 5, bố được đi hợp tác lao động ở Liên Xô bảy năm theo diện con liệt sĩ.
Vắng bố, cuộc sống ba mẹ con tôi ở nhà thật vất vả. Em tôi lúc đó còn nhỏ, thế là dù chỉ mới 10 tuổi nhưng việc xếp hàng đong gạo, “mót” rau ngoài chợ, chăm em, nấu cơm, gánh bùn nắm than… tôi đều rất rành rẽ.
Mẹ vẫn duy trì cái chuồng gà cũ bố đã làm. Mẹ tôi đi làm suốt nên việc chăm hai con gà được “khoán” cho hai chị em tôi. Hai con gà mái được cho ăn thóc rất đều nên mập ú, nhưng chờ mãi vẫn không thấy nó đẻ trứng.
Giữa buổi sáng một ngày, sau khi cho gà ăn, hai chị em tôi vẫn đứng đó chăm chú săm soi hai con gà. Tôi bảo cái Thanh: “Sao nó cục tác cục tác mãi mà chả thấy trứng đâu nhỉ, lâu lắm rồi đấy”. Cái Thanh gật gù. Nó chăm chăm nhìn… đít con gà, rồi bỗng nó ré lên “Trứng kìa chị Liên, trứng kìa!”.
Tôi vội vàng nhìn theo tay nó. Đúng là trứng rồi. Quả trứng đang thập thò ngay đó. Hai chị em nín thở theo dõi từng hành động của con gà mái. Nó quay tới quay lui một hồi thì bắt đầu rặn đẻ. Quả trứng từ từ chui ra. Nhưng mà… Ngay khi hai chị em tôi chưa kịp lấy lại nhịp thở thì con gà mái kế bên đã bất ngờ mổ cái “bụp” vào quả trứng ngay khi nó còn chưa kịp rơi xuống chuồng. Hai chị em tôi hoảng hốt la lên ầm ĩ nhưng hai con gà vẫn tỉnh bơ, cùng quay qua… ăn sạch cái trứng quý giá.
Mang chuyện “tày đình” này kể lại cho mẹ tôi nghe, mẹ chép miệng bảo “Tội nghiệp chúng nó, nuôi nhốt suốt chắc nó bị thiếu chất rồi”. Sau đó thì mẹ đem… bán hai con gà này đi. Từ đó nhà tôi không nuôi gà trên chung cư nữa.
3. Tết đến. Đây là cái tết đầu tiên bố tôi không có ở nhà. Tôi biết mẹ đã phải rất mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn đó, tuy nhiên, phải mãi sau này, khi đã trưởng thành rồi tôi mới hiểu điều này.
Vắng bố, mẹ không gói bánh chưng, không làm giò thủ - công việc mà năm nào bố cũng làm. Tết buồn hẳn. Nhưng sở dĩ tôi nhớ nhất cái giao thừa năm đó là vì có một chuyện hy hữu cũng liên quan đến… con gà.
Ngày 30 tết, mẹ tôi mua về một con gà trống thiến rất ngon để dành cúng giao thừa. 9 giờ tối, khi chuẩn bị nấu đồ cúng, mẹ con tôi mới nhớ ra chuyện “không ai biết cắt tiết gà”.
Bao nhiêu năm nay việc này là của bố, mẹ chỉ lo nấu nướng thôi. Tôi khi đó mới chỉ học lớp 5, cái Thanh học lớp 2, chuyện này lại càng không biết.
Đêm 30 tết, trời rét căm căm, giờ này ai cũng bận túi bụi biết nhờ ai bây giờ. Sau một hồi suy tính, mẹ quyết định tự cắt tiết gà với sự hỗ trợ từ… tôi, con bé chết nhát nhất thế giới.
Tôi run rẩy nắm chặt chân và hai cánh con gà, mẹ nắm đầu gà, tay cầm con dao lăm lăm như thể đã biết cắt ở chỗ nào rồi. Hai mẹ con cùng lẩm nhẩm đọc “khẩu quyết” mà bố vẫn hay làm mỗi khi làm thịt gà: “Hóa kiếp cho mày làm kiếp khác”, “gái cắt tai, giai cắt cổ”. Đọc được cỡ chục lần thì mẹ con tôi… đầu hàng. Mẹ bảo tôi thả con gà vào chuồng: “Thôi con, năm nay giao thừa mình khỏi cúng gà cũng được”.
Tôi mừng húm, vâng rối rít mang con gà bỏ lại vào chuồng. Nó vỗ cánh phành phạch nhảy tưng tưng, chắc để giãn cơ và bớt căng thẳng, là tôi đoán thế.
Tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ đì đùng khắp nơi thúc giục. Mẹ bày mâm cúng và giục tôi mang pháo ra đốt cho kịp giờ. Tôi xây xẩm cả mặt vì sợ, đây đẩy từ chối. Cái Thanh khi đó đã trùm kín chăn bông, phần vì lạnh, phần vì để trốn tiếng pháo đùng đùng làm nó giật mình, tôi không trông chờ gì được ở nó rồi.
Mẹ lại giục tôi đốt pháo khi đã chắp hai tay chuẩn bị cúng. Tôi lẩy bẩy mang băng pháo tép nhỏ xíu ra buộc vào dây phơi ngoài hiên, loay hoay đốt mãi không được. Vừa gí lửa vào, pháo chưa kịp bén tôi đã giật mình nhảy vọt ra xa…
Vật vã một lúc thì cuối cùng băng pháo tép nhà tôi cũng nổ đạch đạch hòa cùng tiếng pháo đì đùng khắp nơi vang tới. Tôi đã phải buộc cả một tờ giấy to vào đầu một cái cây thật dài chìa tới để đốt pháo, khi đó tôi đã thấy mình thật là… sáng tạo.
Năm mới đã đến, cái tết đầu tiên nhà tôi vắng bố đã diễn ra như vậy đó.