Chính phủ có định hướng sắp xếp đối với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM

(PLO)- Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ có định hướng cơ cấu sắp xếp đối với các sở đặc thù, trong đó có Sở An toàn thực phẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua, 18-12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) đã có Công văn 24/2024 định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Một nội dung đáng chú ý là Ban Chỉ đạo đã định hướng cơ cấu sắp xếp đối với các sở đặc thù, gồm Ngoại vụ, Du lịch, QH-KT, An toàn thực phẩm và Ban Dân tộc.

Trong đó với Sở An toàn thực phẩm, công văn nêu rõ trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; chuyển các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các sở gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường.

Chính phủ có định hướng sắp xếp với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM
Lãnh đạo TP.HCM trao quyết định cho lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, ngày 30-12-2023. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

UBND TP.HCM cho rằng sau hơn sáu năm thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là việc mang tính tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Việc thành lập một cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm (Sở) thuộc UBND TP sẽ phát huy tối đa các hiệu quả mà mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã đạt được, khắc phục những hạn chế về mặt pháp lý của mô hình Ban Quản lý.

Tuy nhiên, Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 có quy định “trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”. UBND TP.HCM nhận thấy việc đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm cần có ý kiến của Bộ Chính trị. Đồng thời, khi thực hiện mô hình Sở An toàn thực phẩm sẽ vướng rất nhiều quy định của Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y do không có quy định cho cơ quan thuộc ngành an toàn thực phẩm.

Vì vậy, UBND TP.HCM nhận thấy mô hình này cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở triển khai thực hiện, cũng như việc bổ sung các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội…

Trên cơ sở đánh giá quá trình vận hành mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, UBND TP.HCM đã thực hiện đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cơ chế cho phép TP thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Ngày 24-6-2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2023.

Đến đầu tháng 12-2023, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 24 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

UBND TP.HCM khẳng định kết quả đạt được của việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ trở thành cơ sở để Trung ương xem xét, triển khai mô hình tổ chức bộ máy cho phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tỉnh thành khác trên cả nước.

TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Tại hội nghị lần thứ 34 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, chiều 4-12, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đã thông tin về định hướng bước đầu của sắp xếp tổ chức bộ máy tại TP.

Ở khối chính quyền, TP.HCM nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc Trung ương có Bộ nào thì TP có Sở tương ứng. Trên tinh thần đó, TP.HCM nghiên cứu kết thúc hoạt động của Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở NN&PTNN, Sở Công Thương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm