Trả tiền thuê nhà ở công vụ
Từ 19-9, khi thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ mà tiền thuê nhà ở thương mại cao hơn số tiền thuê do người thuê phải trả thì người thuê phải trả tiền thuê nhà tối đa bằng 10% tiền lương đang được hưởng tại thời điểm thuê nhà ở công vụ.
Cơ quan quản lý cán bộ đủ tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ phải có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà ở công vụ để xác định số tiền thuê nhà ở công vụ phải trả và xác định phần chênh lệch giữa số tiền thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ và số tiền người thuê nhà phải trả, số tiền ngân sách Nhà nước chi trả cho phần chênh lệch theo quy định để xây dựng và đưa vào dự toán chi tiêu hàng năm của đơn vị. Phần tiền chênh lệch này được chi trả hàng tháng dựa trên dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thời điểm Nhà nước thanh toán tiền lương và được thực hiện quyết toán cùng với quyết toán chung của đơn vị.
Thông tư 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thanh toán tiền chênh lệch khi thuê nhà ở công vụ và quản lý tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ… có hiệu lực thi hành từ ngày 19-9 quy định.
Nhân viên thú y xã phải có bằng trung cấp trở lên
Từ 19-9, nhân viên thú y xã phải có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản (trường hợp ở địa bàn có cấp xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chỉ cần có trình độ sơ cấp trở lên).
Nhân viên thú y xã phải hiểu biết, nắm bắt và đánh giá được tình hình phát triển chăn nuôi động vật, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý; có kiến thức nhận biết dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý; có năng lực tham mưu, tổ chức, thực hiện công tác thú y; có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện quy định pháp luật về thú y…
Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn, có hiệu lực thi hành từ ngày 19-9 quy định.
Thẻ tạm trú cho nhân viên lãnh sự
Người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG4, sau khi nhập cảnh Việt Nam nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú thì phải thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam để gửi hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP.HCM. Thời hạn tạm trú được gia hạn và thời hạn thị thực mới được cấp phải phù hợp với mục đích nhập cảnh, đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và có thời hạn tối đa 12 tháng, ngắn hơn thời hạn hộ chiếu của người nước ngoài ít nhất 30 ngày.
Thẻ tạm trú cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức liên Chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc đi cùng có ký hiệu NG3, có thời hạn tối đa là 5 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
Thông tư 04/2016/TT-BNG của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9.
Từ 1-9, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được
Từ 1-9, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được trong 5 năm cho doanh nghiệp công nghệ.
Miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho các trường hợp: giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu; Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền…
Cũng từ 1-9, thuế suất thông thường sẽ bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng, thay vì 70% như trước. Không ấn định thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu như trước (30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan với hàng hóa xuất khẩu; trước khi nhận hàng hoặc 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu); thay vào đó, thời hạn nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9 quy định.
Chính sách hỗ trợ học sinh đặc biệt khó khăn
Mỗi học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15kg gạo mỗi tháng; thời gian hỗ trợ trong mỗi năm học đối với từng học sinh tối đa là cx9 tháng.
Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, Chính phủ sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh/năm học; lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm…
Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ đối với học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9 quy định.