Tăng lương tối thiểu vùng: 'Luật có hiệu lực, 3 năm vẫn chưa thực hiện'

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết hiện lương tối thiểu mới đáp ứng được 80% mức sống tối thiểu. Vì vậy, cần xác định lộ trình chậm nhất đến năm 2018 mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Muốn như vậy, năm 2017 lương tối thiểu phải đảm bảo được 90% mức sống tối thiểu thì năm 2018 mới hoàn thành lộ trình trên.

Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Trong đó, Điều 91 quy định về tiền lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động, tuy nhiên, tới nay đã ba năm nhưng vẫn chưa được thực hiện. Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, điều luật của Quốc hội đưa ra thì phải thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta chấp nhận một lộ trình có giới hạn…”  - ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.

Các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia. Ảnh: VIẾT LONG

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá thực tế đời sống của người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết người lao động luôn mong muốn được làm thêm giờ để trang trải cuộc sống. Nên việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 250.000 đến 400.000 đồng là phù hợp.

Được biết cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa diễn ra ngày 20-7 tại Hải Phòng rất căng thẳng. Đại diện VCCI đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 100.000-180.000 đồng cho bốn vùng (mức tăng trung bình là 4,62%).

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng từ 250.000 đến 400.000 đồng (tương đương 11%). Hai con số đưa ra quá chênh lệch nên Hội đồng Tiền lương chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

Như vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải tổ chức một phiên họp tiếp để tìm tiếng nói chung. Trong trường hợp các bên vẫn giữ quan điểm đến cùng thì chủ tịch Hội đồng Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ dùng quyền của mình để chốt mức tăng lương tối thiểu vùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Kết quả khảo sát của Tổng Tiên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp trong nước vừa qua, cho thấy có 14,2% người lao động trả lời không đủ sống; 37,8% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 33,8% vừa đủ trang trải; chỉ có 14,2% có dư và tích lũy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm