“Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì đời sống của người lao động hiện nay hết sức khó khăn. Trong đó, có 20% người lao động thu nhập không đủ sống và chỉ có 8% người lao động làm việc có tích lũy, số còn lại phải sống chật vật…” - ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết như trên bên lề hội nghị diễn đàn đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội diễn ra ngày 13-7.
Lương chỉ đảm bảo 80% mức sống
Cũng theo ông Quảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định việc tăng lương hằng năm gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Tuy nhiên, hiện nay đời sống của người lao động gặp quá nhiều khó khăn nên chúng tôi muốn có một lộ trình nhất quán là đến năm 2018 mức lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ…” - ông Quảng khẳng định.
Ông Quảng cho rằng dựa vào đánh giá mức lương hiện hành chỉ đảm bảo được 80% mức sống tối thiểu của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đề xuất mức tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng (tức trên 11%) lương tối thiểu vùng năm 2017. “Để đưa ra số liệu này, chúng tôi phải rất cân nhắc kỹ, đảm bảo cân đối giữa điều kiện doanh nghiệp cũng như đời sống của người lao động…” - ông Quảng thông tin.
Liên quan đến đề xuất trên, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng bản thân người lao động lúc nào cũng mong muốn cuộc sống hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, đây là nhu cầu chính đáng. “Nhưng hiện nay khả năng kinh tế xã hội, năng suất lao động, giá trị sáng tạo hạn chế mà muốn đáp ứng ngay được nhu cầu sống tối thiểu thì là vấn đề khó khăn và mâu thuẫn…” - ông Huân nói.
Đời sống người lao động rất khó khăn nên không thể dừng việc tăng lương. Trong ảnh: Công nhân đang rút lương từ thẻ ATM tại Khu công nghiệp TP.HCM. Ảnh: QUỐC THANH
Có khả năng tăng thấp hơn năm 2016
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp tồn tại, phát triển và mở rộng sản xuất, thu hút việc làm, từ đó có điều kiện để nâng cao đời sống của người lao động.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng thời gian qua nhiều doanh nghiệp đề xuất chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng ở mức thấp. Trong khi đó, phía người lao động và đại diện người lao động đề xuất tăng mức cao.
“Việc dừng tăng lương là khó nhưng mức tăng như thế nào thì phải cân nhắc, tính toán kỹ. Tôi nghĩ mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ thấp hơn năm 2016 (năm 2016 là 12,4%)…” - ông Huân nêu quan điểm. Theo ông Huân, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 8% đến 10% là một phương án.
“Cuối tháng 7-2016, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp phiên thứ nhất. Chúng tôi rất mong muốn chỉ một phiên họp có thể đi đến thống nhất (năm 2015 phải mất ba phiên họp mới chốt được mức tăng lương năm 2016). Trong tháng 7 hoặc chậm nhất là tháng 8 sẽ chốt phương án tăng lương…” - ông Huân nói. Theo ông Huân, cuộc họp tới đây, việc tăng lương sẽ được xác định dựa trên các yếu tố như nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế xã hội, mặt bằng tiền công trên thị trường…
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương; trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: - Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất; - Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. (Trích Nghị định 122/2015 quy định về ________________________________ Năm 2016, mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015), vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng). Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%. |