Chính sách mới nổi bật về giáo dục có hiệu lực từ tháng 2-2024

(PLO)- Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS, không đào tạo từ xa nhóm ngành đào tạo giáo viên... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 2-2024.

Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những chính sách mới về giáo dục sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2024 dưới đây:

Không đào tạo từ xa nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khoẻ

Ngày 28-12-2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 28/2023 về quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học; quy định về những quy định chung; về lập kế hoạch, tổ chức giảng dạy; về đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng.

Trong đó, hình thức đào tạo từ xa là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa Mạng máy tính và viễn thông, Thư tín, Phát thanh - Truyền hình.

Chương trình đào tạo từ xa là chương trình đào tạo đang áp dụng cho hình thức chính quy ngành đào tạo tương ứng của cơ sở đào tạo được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo từ xa về phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức Mạng máy tính và viễn thông

Thông tư cũng quy định về yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa gồm: Hệ thống đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo đã được xây dựng hoàn chỉnh bảo đảm đầy đủ các thành phần theo quy định; cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 03 khóa liên tục theo hình thức chính quy…

Đáng chú ý, không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Thông tư 28/2023 có hiệu lực kể từ ngày 12-2-2024, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày này.

Không còn xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS

Cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 31/2023 về quy chế xét tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), có hiệu lực từ 15-2-2024.

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo thông tư mới, học sinh được công nhận tốt nghiệp nếu có đủ các điều kiện gồm:

Thứ nhất, không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ GD&ĐT.

Thứ hai, có đầy đủ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp (học bạ…).

Thứ ba, đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.

Đáng chú ý, một số trường hợp được xác định chưa hoàn thành chương trình như:

(i) Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS trong năm học lớp 9 do kết quả học tập cả năm học lớp 9 xếp loại Chưa đạt (hoặc học lực cả năm xếp loại yếu, kém).

(ii) Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS trong năm học lớp 9 do kết quả rèn luyện cả năm học lớp 9 xếp loại chưa đạt (hoặc hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu).

(iii) Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS do nghỉ học quá 45 buổi trong năm học lớp 9 xin học lại.

(iv) Học sinh quá 21 tuổi đã học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS nhưng chưa được công nhận tốt nghiệp xin học lại lớp 9 theo Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS với cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.

Ngoài ra, Thông tư 33 không còn quy định về xếp loại tốt nghiệp, trong khi hiện nay Quyết định 11/2006 của Bộ GD&ĐT quy định kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: giỏi, khá, trung bình căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực; nếu người học thuộc diện không xếp loại hạnh kiểm thì chỉ căn cứ vào kết quả xếp loại học lực.

Các trường được tham gia lựa chọn sách giáo khoa

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 27/2023 của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thông tư này áp dụng đối với trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Hiện nay, Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, theo Thông tư mới, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục sẽ do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Có thể thấy, quyền lựa chọn sách giáo khoa đã được trao cho các trường. Mỗi trường sẽ thành lập một Hội đồng để lựa chọn sách giáo khoa.

Dù vậy, việc học sinh sử dụng loại sách giáo khoa nào vẫn sẽ UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục cuối cùng.

Thông tư 27/2023 có hiệu lực từ ngày 12-2-2024.

Tiêu chí khen thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

Thông tư 29/2023 của Bộ GD&ĐT quy định Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để tặng một lần cho cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục.

Đối với cá nhân trong ngành Giáo dục cần đạt tiêu chuẩn:

(i) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục (bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương) có thời gian công tác trong ngành Giáo dục từ 20 năm trở lên.

(ii) Cá nhân đang công tác từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng được xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn so với thời gian quy định nêu trên là 5 năm.

Đối với cá nhân ngoài ngành Giáo dục cần đạt tiêu chuẩn:

(i) Đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ 5 năm trở lên, có nhiều đóng góp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào sự phát triển của ngành Giáo dục.

(ii) Có nhiều đóng góp trong việc tham gia ban hành cơ chế chính sách, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Giáo dục hoặc xây dựng, ủng hộ tài chính, hiện vật cho sự phát triển ngành Giáo dục, được đơn vị thụ hưởng xác nhận.

(iii) Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và người nước ngoài có đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Việt Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Giáo dục Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Thông tư 29/2023 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 15-2-2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới