Chờ đợi 20 phút 'nghẹt thở' tàu SLIM của Nhật đổ bộ Mặt Trăng

(PLO)- Nếu hạ cánh thành công, tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM của Nhật sẽ tạo ra bước đột phá trong cuộc đua chinh phục Mặt Trăng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tàu đổ bộ thông minh điều tra Mặt Trăng (SLIM) của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật (JAXA) dự kiến ​đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lúc 0 giờ 20, ngày 20-1 (giờ Nhật).

Nếu thành công, cuộc đổ bộ của SLIM sẽ đánh dấu lần đầu tiên Nhật đưa một tàu thám hiểm robot lên bề mặt Mặt Trăng. Sự kiện cũng sẽ biến nước này trở thành quốc gia thứ ba đạt được thành tích này trong thế kỷ XXI và là quốc gia thứ năm hạ cánh mềm tàu vũ trụ trên Mặt Trăng, kể từ sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng Luna 9 của Liên Xô (cũ) vào năm 1966.

Video mô phỏng quá trình tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM hạ cánh xuống thiên thể này. Nguồn: JAXA

SLIM có công nghệ hạ cánh chính xác. Tàu đổ bộ này dự kiến bắt đầu hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng vào lúc 12 giờ (giờ Nhật). Quá trình hạ cánh sẽ được phát trực tiếp trên YouTube bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.

Ông Kenji Kushiki – một thành viên quản lý dự án SLIM – cho biết: “Quá trình giảm tốc cho đến khi hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng (của SLIM) sẽ là 20 phút kinh hoàng đến nghẹt thở”.

Theo CNN, trước đây, các lần hạ cánh bề mặt Mặt Trăng đã đạt được độ chính xác cực cao. Tuy nhiên, công nghệ của SLIM lần này là một sự khác biệt. Công nghệ này nhằm mục đích thiết lập quá trình hạ cánh chính xác cho các tàu thăm dò robot có chi phí thấp và nhẹ (khác với các loại tàu thăm dò trước đây).

Theo JAXA, công nghệ này có thể giúp tàu thăm dò nhỏ hạ cánh ngay cả trên địa hình nhiều đá, nguy hiểm. JAXA cho hay nếu thành công, công nghệ này có thể cho phép các tàu thăm dò trong tương lai “hạ cánh trên những hành tinh còn khan hiếm tài nguyên hơn cả Mặt Trăng”.

“Ngày nay, kiến thức về các vật thể thiên văn đã tăng lên và các chi tiết cần nghiên cứu cũng ngày càng cụ thể hơn. Do đó, việc hạ cánh có độ chính xác cao gần mục tiêu nghiên cứu trở nên cần thiết” – theo JAXA.

Tuy nhiên, nếu SLIM không hạ cánh thành công trong ngày 20-1, tàu sẽ phải chờ đến ngày 16-2 để thử hạ cánh lần nữa.

Hành trình của SLIM

Tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM được phóng vào tháng 9-2023 cùng với vệ tinh XRISM. Cả hai nằm trong Sứ mệnh quang phổ và chụp ảnh tia X – hợp tác giữa JAXA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Sau khi phóng, SLIM sử dụng hệ thống đẩy của riêng mình để hướng tới Mặt Trăng. Tàu đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng thành công vào cuối tháng 12.

Đầu dò của tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM có công nghệ điều hướng dựa trên tầm nhìn. JAXA gọi đây là “đôi mắt thông minh”. SLIM sẽ chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng khi nó đến gần và nhanh chóng xác định vị trí của nó trên bản đồ do vệ tinh phác thảo trước đó. Từ đó, SLIM sẽ tự động điều chỉnh quỹ đạo của nó khi nó bắt đầu hạ cánh.

Nhật vạch ra kế hoạch gì cho tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM?
Tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM được phóng đi vào tháng 9-2023. Ảnh: JAXA

Ông Kushiki cho biết trong những giây phút trước khi hạ cánh, tàu đổ bộ SLIM sẽ liên tục bị lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác động. Do đó, quá trình này đòi hỏi động cơ của tàu vũ trụ phải hoạt động liên tục.

Nếu tàu đổ bộ hạ cánh thành công, nó sẽ nghiên cứu nhanh bề mặt Mặt Trăng ngay phía nam của điểm tối Sea of Tranquility (tạm dịch Biển Yên Bình) – khu vực tàu Apollo 11 hạ cánh vào năm 1969.

Không giống như các nhiệm vụ robot gần đây nhằm vào cực nam của Mặt Trăng, SLIM hướng tới một địa điểm gần miệng núi lửa Shioli, trong vùng đất bằng Sea of Nectar (tạm dịch Biển Mật Hoa). Tại đây, SLIM sẽ điều tra thành phần của đá, để có thể giúp các nhà khoa học khám phá nguồn gốc của Mặt Trăng.

Theo JAXA, “Việc xem xét kỹ hơn các khoáng chất như vậy có thể tiết lộ thông tin về cấu trúc và sự hình thành bên trong của Mặt Trăng. Tuy nhiên, các tàu đổ bộ thường tránh đến gần các miệng núi lửa do khó hạ cánh”.

Cuộc đua mới nhằm chinh phục Mặt Trăng

Sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng SLIM diễn ra trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực khám phá thiên thể này.

Sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư thành công trong việc cho tàu hạ cánh trên Mặt Trăng. Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh gần cực nam Mặt Trăng vào tháng 8.

tau-do-bo-Mat-Trang.jpg
(1) Sea of Tranquility (tạm dịch Biển Yên Bình); (2) Địa điểm hạ cánh của tàu Apollo; (3) Miệng núi lửa Shioli mà SLIM đang nhắm tới; (4) Địa điểm hạ cánh của tàu Chandrayaan-3 trên Mặt Trăng. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, việc hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng không phải là chuyện dễ.

Vào tháng 4-2023, tàu đổ bộ Mặt Trăng Hakuto-R của công ty Nhật Ispace đã rơi và đâm vào bề mặt Mặt Trăng khi nỗ lực hạ cánh. Hồi tháng 8-2023, tàu đổ bộ Mặt Trăng Luna-25 cũng đâm vào bề mặt Mặt Trăng khi cố gắng hạ cánh.

Trọng tâm của cuộc đua chinh phục Mặt Trăng hiện tại tập trung quanh cực nam của thiên thể này. Các nhà khoa học nghi ngờ khu vực này có thể là nơi chứa băng nước. Các nhà khoa học có thể dùng nguồn tài nguyên này để lọc thành nước uống cho các phi hành gia trong tương lai hoặc thậm chí chuyển đổi thành nhiên liệu tên lửa.

Cực nam của Mặt Trăng cũng có một số miệng hố và đá, có thể tạo ra rủi ro cho quá trình hạ cánh. Các sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng trong tương lai cần có khả năng hạ cánh trong khu vực hẹp để tránh những đặc điểm này.

Tuy nhiên, SLIM đang được tích hợp công nghệ hạ cánh chính xác và có khả năng tạo bước đột phá trong quá trình hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng. SLIM cũng có thiết kế gọn nhẹ, có thể thuận lợi cho các kế hoạch khám phá vũ trụ sau này.

JAXA cho rằng nếu SLIM hạ cánh thành công, nó sẽ giúp các tàu đổ bộ từ “hạ cánh ở nơi chúng ta có thể thành hạ cánh sang hạ cánh ở nơi chúng ta muốn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm