Cho đến thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên bước xuống sân bay của đảo quốc sư tử, thượng đỉnh Trump-Kim đã thành công, ngay cả khi kết quả cuộc gặp mặt không mang lại nhiều thỏa thuận lớn lao.
Đối thoại thất bại còn hơn “đánh nhau”
Có quá nhiều cách lý giải về sự thất bại trong việc Mỹ và Triều Tiên cùng ngồi lại để giải quyết vấn đề an ninh - mục tiêu lớn nhất của hai nước. Lớn hơn cả có lẽ là vấn đề niềm tin. Cho đến trước khi cuộc gặp Trump-Kim có lịch chính thức, nhiều người vẫn hoài nghi về những dấu hiệu ôn hòa, có lúc “dùng lời có cánh” khen nhau giữa liên Triều và giữa Triều Tiên với Mỹ.
Các quan chức và giới truyền thông Mỹ nhiều lần bày tỏ hoài nghi với Bình Nhưỡng, vốn có lịch sử khép kín kéo dài và các chương trình ngoại giao không ai có thể lường trước. Sự thay đổi trong thái độ và hành động với Triều Tiên đôi khi chỉ xảy ra trong tích tắc. Thêm vào đó, các chương trình ngoại giao song phương Trung Quốc và Triều Tiên diễn ra dày đặc càng khiến giới quan sát hoài nghi về một sự sắp đặt chính trị mà Bắc Kinh mới thật sự là “chủ cuộc chơi” chứ không phải Bình Nhưỡng. Tất nhiên, trong trường hợp đó thì thượng đỉnh có diễn ra cũng không kỳ vọng được lợi ích gì đáng kể cho Mỹ khi trạng thái hiện nay của Triều Tiên có lợi cho Bắc Kinh trong mặc cả với Washington.
Dù vậy, trong chừng mực nào đó Mỹ không khỏi lo ngại khả năng Triều Tiên làm giàu uranium và chế tạo tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Khi nguy hiểm có thể chạm đến xứ cờ hoa thì việc trừng phạt hay thậm chí là tấn công phủ đầu sẽ không còn là phương án an toàn tuyệt đối với Mỹ; trong khi việc ngồi lại thảo luận dù thất bại vẫn có thể cho Mỹ thêm thông tin và thời gian để ứng phó đối phương.
Trong khi đó, Triều Tiên cũng lo lắng không kém trước một nước Mỹ đã có lúc tuyên bố “muốn áp dụng mô hình Libya” - một kết cục ác mộng đối với những người đứng đầu Bình Nhưỡng, dù rằng mô hình này sau đó đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt gắt gao của Liên Hiệp Quốc và đe dọa từ các lực lượng quân đội lẫn vũ khí hạt nhân do Washington “bày trận” ở khu vực.
Một tranh quảng cáo mô tả ông Trump và ông Kim bên cạnh món ăn nổi tiếng của một nhà hàng ở Singapore. Ảnh: AFP/TTO
Việc tiếp tục trạng thái căng thẳng với Mỹ hoặc tiến hành một cuộc tấn công đều khiến Bình Nhưỡng hoặc sẽ bị suy kiệt vì sụp đổ kinh tế, hoặc bị hủy diệt khi chiến tranh xảy ra. Vậy nên việc nắm bắt tinh thần trong quan hệ với Trung Quốc và vui vẻ gặp Mỹ sẽ mở ra cho Triều Tiên nhiều lựa chọn. Không ngoại trừ trường hợp các nhượng bộ nhất định trong khả năng kiểm soát tình thế của Triều Tiên sẽ mở ra nhiều hướng đi mới thuận lợi.
Ai? Kỳ vọng gì?
Ở tầm quốc gia, Mỹ chắc chắn kỳ vọng Triều Tiên sẽ nhượng bộ các vấn đề liên quan đến phi hạt nhân hóa. Điều kiện của phía Mỹ, ở mức kỳ vọng cao nhất, là Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa, chuyển vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân ra nước ngoài, không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho bất kỳ ai. Nhưng chắc chắn cũng chính Mỹ sẽ hiểu rằng điều đó là tham vọng hay chí ít phải cần thời gian - vừa để Triều Tiên suy nghĩ, vừa để Mỹ tính toán phương án có thể thuyết phục được Bình Nhưỡng trở thành một quốc gia “bình thường”.
15 triệu USD (khoảng 20 triệu SGD) là con số ước tính mà Singapore chi trả cho việc đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12-6 tới đây. Thủ tướng Singapore LÝ HIỂN LONG |
Trong khi đó, Triều Tiên nhận thức rằng việc phi hạt nhân hóa đồng nghĩa với việc mất đi vũ khí duy nhất mà họ dùng để mặc cả với đối thủ bao năm qua. Triều Tiên chắc chắn cũng nhận thức được “cảm nhận rủi ro” từ phía Mỹ với hệ thống hạt nhân của Bình Nhưỡng, ngay cả khi phía Mỹ tuyên bố cứng rắn. Việc ông Trump nhanh chóng quyết định gặp mặt ông Kim Jong-un và sau đó là nhanh chóng thay đổi thái độ từ “hủy hẹn” thành “hẹn lại” đã cho thấy ông Kim đạt được chiến thắng mà ông nội và cha của mình chưa làm được.
Tuy nhiên, ông Kim không đến Singapore trong tâm thế “biểu tượng” mà chắc chắn lãnh đạo Bình Nhưỡng đang đau đầu về tình thế kinh tế trong nước suy sụp vì cấm vận; và các mối đe dọa an ninh từ Mỹ dưới thời ông Trump. Syria là bài học có sức răn đe đáng suy nghĩ cho ông Kim khi Tổng thống Trump không mất thời gian quá nhiều về cái gọi là “chiến tranh”. Triều Tiên đã thấy hàng loạt động thái vô tiền khoáng hậu của đương kim tổng thống Mỹ mà ngay chính nội các chính phủ Mỹ, các cố vấn tổng thống Mỹ không thể nào nhất trí. Vì vậy, các nhượng bộ nhất định để đổi lại giảm bớt áp lực cấm vận, hòa hoãn về an ninh là điều Triều Tiên có thể đưa ra để mặc cả với Tổng thống Trump.
Điều mà thế giới trông chờ nhất có lẽ chính là vai trò cá nhân của ông Trump và Kim. Ông Trump nổi tiếng với phong thái “cao bồi” - một mình quyết định chính sách; rất nhanh và ngẫu hứng như cách ông thể hiện trên Twitter. Không khó nhận ra mâu thuẫn giữa ông Trump và nhiều quan chức Mỹ khi người thận trọng, kẻ nhanh tay.
Trong khi đó, ông Kim đã bãi chức ít nhất ba quan chức quân đội cấp cao - thế lực có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính quyền Bình Nhưỡng trước khi đến thượng đỉnh lần này. Có ý kiến cho rằng ông Kim đang “thay máu” nội các và quân đội bằng những người trẻ và cởi mở hơn, tránh né trọng dụng các thế hệ quân đội già cỗi và nặng tính hoài nghi về việc đối thoại ôn hòa với phương Tây.
Rõ ràng ông Trump và ông Kim đều đang muốn vứt bỏ áp lực từ nội bộ để hướng về thượng đỉnh. Sự tối-sáng của cuộc gặp mặt trông chờ không ít vào bản lĩnh và sự đột phá đậm dấu ấn cá nhân của cả hai.