Sáng nay, ngày 24-11, Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14”.
Hơn 3 triệu tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Thông tin tại hội thảo cho hay, sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Qua đó mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 được thực hiện thí điểm, nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15-8-2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khả năng nợ xấu tại các ngân hàng sẽ tăng cao. Tính đến thời điểm này đã có trên 600.000 tỉ đồng được cơ cấu nợ. Thế nhưng đây mới chỉ là số liệu ban đầu, còn từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022 thì số liệu này sẽ lớn hơn rất nhiều.
"Hiện, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã lên tới hơn 3 triệu tỉ đồng, cho nên số dư nợ đã được cơ cấu chỉ mới đạt khoảng 10% trong tổng số dư nợ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, để doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, các ngân hàng vẫn phải xem xét tiếp tục cho vay mới trên nền tảng của khoản nợ đã được cơ cấu (bản chất đã là món nợ xấu), điều này thực sự gây khó khăn đối với các ngân hàng.
Hiện các tổ chức tín dụng hiện đang phải gồng mình để khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế và có thể xử lý được nợ xấu cũ còn tồn tại và cả nợ xấu hình thành trong tương lai", ông Hùng nói.
Trao đổi về việc xử lý nợ xấu trong bối cảnh hiện tại, ông Vũ Minh Phương, Phó trưởng phòng công nợ Vietcombank thông tin: Hiện nay, Vietcombank đặt ra nguyên tắc là ưu tiên các giải pháp cơ cấu nợ, giảm miễn lãi để chia sẻ với khó khăn của khách hàng, trong trường hợp khách hàng không có nguồn trả nợ thì ưu tiên phương án thoả thuận xử lý tài sản bảo đảm.
"Đối với khách hàng không thiện trí hợp tác, chây ì, chúng tôi sẽ thu giữ tài sản theo nghị quyết 42 hoặc khởi kiện ra toà và đề nghị cơ quan thi hành án xử lý tài sản. Nghị quyết 42 ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
"Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thu giữ tài sản theo tinh thần của nghị quyết 42, chúng tôi chỉ mới thực hiện được việc thu giữ tài sản bảo đảm là khu đất trống hoặc động sản, còn với bất động sản nhà ở mà chủ tài sản đang sinh sống thì chúng tôi chưa thể thực hiện do họ chống đối, không hợp tác", ông Phương nói.
Cần tháo gỡ nhiều rào cản để việc quản lý hoạt động mua bán nợ được đẩy đủ và chặt chẽ hơn
Nhiều "nút thắt" trong quá trình mua bán nợ
Để đẩy mạnh công tác xử lý nợ trong thời gian tới, ông Vũ Minh Phương kiến nghị các cơ quan nhà nước cần tiếp tục các duy trì chính sách để hỗ trợ khách hàng trong tình hình nền kinh tế vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo Vietcombank đề xuất nhà quản lý cần sớm hoàn thiện các quy định, quy chế về hoạt động mua bán nợ để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng khi thực hiện mua bán nợ, cũng như tham gia sàn giao dịch mua bán nợ.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện mua bán nợ trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn, hiện chưa có quy định liên quan đến công khai thông tin của khoản nợ. Bởi để bán khoản nợ trên sàn giao dịch mua bán nợ, ngân hàng sẽ phải công khai rất nhiều thông tin của khoản nợ nhưng quy định liên quan về bảo mật thông tin khách hàng bị chồng chéo giữa 2 quy định này.
Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động bán nợ, hiện nghị quyết 42 chưa có cơ chế ràng buộc, phối hợp của bên nợ với bên mua nợ. Chính vì vậy, ngay cả khi việc mua bán nợ đã diễn ra thành công thì rủi ro đối với bên mua nợ vẫn tồn tại nếu bên nợ nhất định không chịu hợp tác.
Tuy nhiên, theo ông Phương, điểm vướng mắc lớn nhất trong quá trình mua bán nợ là chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định giá bán nợ. Mặc dù khoản nợ là loại hàng hoá được giao dịch trên thị trường nhưng pháp luật về thẩm định giá lại chưa có quy định cụ thể về cách thức xác định giá trị khoản nợ.
Điều này sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi xác định giá khoản nợ, nhất là với các tổ chức tín dụng có vốn nhà nước việc bán nợ như vậy rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn nhà nước. Qua đó, ảnh hưởng đến khả năng bán nợ của các tổ chức tín dụng cũng như việc tham gia sàn giao dịch mua bán nợ trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại điều 6 nghị quyết 42, đối tượng mà VAMC được giao dịch mua bán nợ là chỉ là nợ xấu nội bảng. Trong khi đó, nợ xấu ngoại bảng lại có nhu cầu mua bán nợ rất lớn. Nếu vẫn giữ nguyên quy định như vậy theo nghị quyết 42 thì vô hình trung đã hạn chế sự tham gia của VAMC đối với nợ xấu ngoại bảng.
Do đó, trong quá trình sửa đổi nghị quyết 42, cũng như với các thông tư về mua bán nợ thì phạm vi này cần được mở rộng hơn để tăng tính cạnh tranh trên thị trường mua bán nợ.