Cho ở nhờ, 13 năm vật vã đi… đòi

TAND TP Cần Thơ vừa đưa vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông S. và bị đơn là bà K. ra xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của nguyên đơn. Vụ kiện bắt đầu từ năm 2005, đã trải qua ba lần xử sơ thẩm, hai lần phúc thẩm, hai lần giám đốc thẩm và đây là lần xét xử phúc thẩm thứ ba.

Rắc rối cho ở nhờ đất

Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng, ông S. trình bày: Năm 1987, ông nhận chuyển nhượng 380 m2 đất của vợ chồng ông T. Khi chuyển nhượng đã có gia đình bà K. đang ở nhờ là phần nhà sàn trên mương. Ông đồng ý cho gia đình bà K. tiếp tục ở nhờ, thỏa thuận hết ba năm thì gia đình bà phải chuyển đi nơi khác.

Khi ngôi nhà sàn bằng cây tạp của gia đình bà K. bị hư, bà có xin ông cho cất lại. Ông đã đồng ý cho bà cất lại nhà trên diện tích 38 m2. Năm 2001, gia đình bà K. san lấp mương thoát nước nhưng ông không đồng ý. Tiếp đó, bà K. đã làm tờ cam kết với nội dung ở nhờ trên đất của ông và khi muốn che chắn theo hiện trạng cũ phải được sự đồng ý của ông.

Ngày 21-7-2005, gia đình bà K. tiếp tục san lấp mặt bằng và nâng cấp nhà ở dù không có sự đồng ý của ông S. Do đó, ông yêu cầu bà K. phải tháo dỡ, di dời nhà đi nơi khác và trả lại phần đất đang ở nhờ.

Bà K. có đơn phản tố cho rằng năm 1982, ông T. cho vợ chồng bà một cái mương kế bên nhà ông T. để cất nhà sàn. Năm 1987, ông T. chuyển nhượng đất cho ông S. Năm 1989, nhà xuống cấp nên vợ chồng bà san lấp mương và cất lại nhà ở nhưng ông S. không phản đối. Khi ông S. khởi kiện yêu cầu bà trả đất bà mới biết ông đã được cấp giấy đỏ bao gồm cả phần đất ông T. đã cho vợ chồng bà. Bà xin được ở ổn định phần đất đang cất nhà và được tách quyền sử dụng đất mà không phải trả tiền đất cho ông S.

8 bản án mới đòi được

Xử sơ thẩm lần đầu năm 2006, TAND quận Ô Môn chấp nhận yêu cầu của ông S., bác yêu cầu phản tố của bà K. Buộc bà K. phải di dời nhà, trả đất lại cho ông S.; công nhận sự tự nguyện hỗ trợ bà K. 5 triệu đồng chi phí di dời nhà của ông S.

Sau đó, bà K. kháng cáo nhưng không thành. Tiếp theo, bà K. khiếu nại giám đốc thẩm và Tòa Dân sự TAND Tối cao đã quyết định hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm, giao cho TAND quận Ô Môn xử sơ thẩm lại.

Khi xử lại sau đó, diện tích đất tranh chấp theo đo đạc bà K. đang sử dụng 52 m2, trong đó đất ông S. là 42 m2, đất công cộng 10 m2 nên ông S. yêu cầu trả lại cho ông 42 m2.

Tiếp đó, trải qua nhiều lần xét xử sơ, phúc thẩm, kháng nghị, giám đốc thẩm và tiếp tục hủy án, xử sơ thẩm lần ba vào năm 2017, TAND quận Ô Môn đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S., buộc bà K. phải trả lại giá trị đất cho ông S. là hơn 524 triệu đồng. Bà S. được sử dụng ổn định diện tích đất 42 m2. Bác yêu cầu phản tố của bà K. yêu cầu được sử dụng ổn định nhà, đất…, ông S. kháng cáo.

Tại phiên tòa xử phúc thẩm lần thứ ba này, HĐXX nhận định: UBND quận Ô Môn xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S. là đúng trình tự thủ tục, do đó ông S. là người có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích đất nêu trên…

Tòa phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông S., buộc bà K. phải trả lại diện tích 42 m2, công nhận sự tự nguyện hỗ trợ cho bà K. số tiền 100 triệu đồng khi bà di dời nhà của ông S.

Kiến nghị cho bị đơn được mua nền tái định cư

Đáng chú ý, theo công văn của Trung tâm Phát triển quỹ đất Chi nhánh quận Ô Môn, năm 2017, về phần đất bà K. đang sử dụng, một phần diện tích 16,5 m2nằm trong dự án đã có quyết định thu hồi nhưng chưa thực hiện giải tỏa mặt bằng, diện tích còn lại hơn 25 m2 cũng không đủ để xây dựng.

UBND quận Ô Môn cho rằng bà K. được xem xét mua nền tái định cư khi phía ông S. nhượng quyền mua lại cho bà. Tại tòa, ông S. cũng thừa nhận sẽ nhượng quyền mua lại này cho bà. Do đó bà K. sẽ được nhận tiền bồi thường giải tỏa phần nhà của bà và tòa phúc thẩm cũng đã kiến nghị UBND quận Ô Môn xem xét, giải quyết cho bà K. được mua nền tái định cư theo quy định.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới