Một số loại hình kinh tế chia sẻ đang có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Điều này được khẳng định tại “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) xây dựng.
Nở rộ mô hình kinh tế chia sẻ
Tại hội thảo lấy ý kiến về báo cáo này diễn ra ngày 8-12, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho rằng sự tác động của loại hình kinh tế chia sẻ như Grab đến các lĩnh vực kinh tế truyền thống là hiện hữu.
Ông Cương kể mấy năm trước, ông đi công tác tại TP Miami thuộc bang Florida của Mỹ, gặp cảnh các tài xế taxi truyền thống tụ tập phản đối Uber. Thực tế, khi các loại hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab… ra đời đã tác động thẳng vào những ngành nghề truyền thống, chia sẻ thị trường và làm giảm thu nhập, công việc của những lao động khác.
“Tuy vậy, khi kinh tế chia sẻ ra đời nó cũng tận dụng được các phương tiện, tài sản… nhàn rỗi của người khác để đóng góp vào phát triển, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho một bộ phận lao động khác bên ngoài lĩnh vực” - ông Cương nhìn nhận.
Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM, nhận định: Kinh tế chia sẻ khai thác tài nguyên có sẵn của người dùng, kết hợp với công nghệ để tạo mô hình kinh doanh. Vì vậy, việc huy động và sử dụng nguồn lực là phương tiện, tài sản nhàn rỗi góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển.
Ví dụ, Airbnb - mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê đến tháng 1-2019 đã huy động được khoảng 18.230 cơ sở lưu trú tại Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó còn nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng ở, phòng làm việc đăng ký ở các ứng dụng khác.
“Thời gian tới có thể sẽ phát sinh thêm nhiều mô hình kinh tế chia sẻ ngoài các lĩnh vực như vận tải, lưu trú và cho vay ngang hàng như hiện nay” - Viện CIEM dự báo.
Ít bị tổn thương bởi các cú sốc
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định “kinh tế chia sẻ ít bị tổn thương bởi các cú sốc”. Chẳng hạn như khi COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu thì kinh tế chia sẻ với các nền tảng kết nối trực tuyến vẫn duy trì được nhiều hoạt động giao dịch kinh tế, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực.
Bằng chứng rõ nhất là bán hàng online, trực tuyến, vận tải trực tuyến (vận chuyển đồ ăn, đồ uống, nhu yếu phẩm…) hay dịch vụ tài chính đã biến nguy thành cơ để phát triển, chiếm lĩnh thị phần của kinh tế truyền thống.
Bên cạnh những tác động tích cực đối với nền kinh tế, kinh tế chia sẻ cũng có những tác động không lành mạnh mà nguyên nhân đầu tiên là do thiếu khung chính sách, thể chế.
Nhiều loại hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong ảnh: Dịch vụ xe công nghệ đang giao hàng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ví dụ, Grab và các ứng dụng gọi xe kinh doanh bằng hợp đồng điện tử thuận lợi hơn. Điều này khiến nhiều công ty kinh doanh taxi truyền thống không thể cạnh tranh và buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh.
“Kinh tế chia sẻ có thể phá vỡ kết cấu của kinh tế truyền thống và gây ra xung đột lợi ích. Nhiều công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ khi đã chiếm được thị phần sẽ cạnh tranh không bình đẳng với các công ty truyền thống. Vụ Vinasun kiện Grab ở TP.HCM là điển hình” - ông Lưu Đức Khải dẫn chứng.
Taxi truyền thống giảm mạnh
Theo Bộ KH&ĐT, trước sự phát triển mạnh của các loại hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab…, số lượng đầu xe taxi truyền thống giảm mạnh. Đơn cử taxi của Vinasun liên tục giảm, với 6.561 xe năm 2016 thì đến năm 2019 chỉ còn 4.921 xe. Các hiệp hội taxi cũng cho hay số lượng xe taxi truyền thống đã giảm 30%-35%.
Có thể thôn tính và lũng đoạn thị trường
CIEM lo ngại các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ của Việt Nam. Thậm chí, các ông lớn nước ngoài chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Sendo là ví dụ điển hình.
Thực tế, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do các đại gia nước ngoài cung cấp nền tảng kết nối chi phối. Điển hình như Grab Car, Fastgo trên thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến. Airbnb, Expedia trên thị trường dịch vụ chia sẻ phòng ở. Tương tự, trong lĩnh vực đặt dịch vụ du lịch trực tuyến, những cái tên thống lĩnh đều là công ty ngoại như Agoda.com, Booking.com, Trivago.com, Airbnb.com…
“Khi kinh tế chia sẻ chiếm giữ thị phần, các tập đoàn lớn có thể thôn tính và lũng đoạn thị trường. Các đơn vị này sẽ kinh doanh với mức giá thấp để lôi kéo người tiêu dùng và tiến tới độc quyền sau khi loại các công ty kinh doanh theo phương thức truyền thống” - CIEM cảnh báo.
Trong khi đó, các quy định pháp luật còn có nhiều lỗ hổng. Đáng chú ý, dù kinh tế chia sẻ và các nền tảng số đã xuất hiện gần 10 năm ở Việt Nam nhưng tới nay Nhà nước chưa có một văn bản luật và đầu mối quản lý thống nhất các nền tảng số.
Tuy nhiên, nguy cơ này có thể được kiềm chế, kiểm soát nếu Nhà nước có chính sách và cơ chế quản lý hợp lý; giám sát chặt chẽ quyền lực của các nền tảng trên thị trường từng ngành sản phẩm. Đặc biệt, nếu không khẩn trương triển khai chiến lược hỗ trợ công ty trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần.
Không có đơn vị đứng ra bảo vệ quyền lợi
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định trong một số doanh nghiệp kinh tế chia sẻ, người cung ứng dịch vụ không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động tham gia mô hình kinh doanh chia sẻ không được đảm bảo quyền lợi của người lao động; không có đơn vị đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra vấn đề tranh chấp.
Tình hình đó làm gia tăng bất bình đẳng của các chủ thể tham gia thị trường, tăng thêm gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.
(PLO)- Công ty Lotte.vn mới đây gửi thông báo dừng bán hàng đến các đối tác. Theo đó, từ ngày 20-1-2020, trang thương mại điện tử này sẽ ngừng hoạt động.