Chở sếp say, tài xế ô tô bị máy phát hiện có nồng độ cồn

Tối 15-1, nhiều Đội, Trạm trực thuộc Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM đã tổ chức chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra.

Đội CSGT Bàn Cờ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Điện Biên Phủ, quận 3. Ảnh: LÊ THOA

Với phương pháp này, các đơn vị CSGT sẽ tổ chức phân luồng, hướng dẫn các xe ô tô con đi vào làn đường để kiểm tra cồn bằng máy đo định tính, hình phễu.

Với thiết bị này, tài xế chỉ cần thổi một hơi nhẹ hoặc nói vài câu thì máy sẽ xác định có nồng độ cồn hay không. Nếu có thì tài xế sẽ được hướng dẫn để đo bằng thiết bị định lượng mức vi phạm nồng độ cồn ngay sau đó.

Tài xế đòi đo cồn 2 lần để tính trung bình cộng

Có mặt tại trạm thu phí Rạch Chiếc, hướng về cầu Sài Gòn vào khoảng 20 giờ 30 phút, PV PLO.VN ghi nhận quá trình đo nồng độ cồn của Đội CSGT Rạch Chiếc đối với hàng loạt tài xế xe ô tô khi di chuyển qua trạm thu phí này.

Tại đây, CSGT phát hiện anh Du Quốc P. (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) có nồng độ cồn 0,451 mg/lít khí thở. Anh P. cho biết, anh chạy xe từ khu vực Giang Điền, Đồng Nai về nhà ở khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh.

CSGT Rạch Chiếc kiểm tra định lượng nồng độ cồn của anh P. Ảnh: LÊ THOA

“Nay tôi chia tay anh em do nghỉ việc ở công ty nên có uống ba, bốn chai” – anh P. nói và sau đó phân bua rằng bản thân còn rất tỉnh táo mới dám tự chạy xe về. “Bình thường nhậu ở trong TP, tôi toàn đi grab không à” – anh P. nói thêm.

Quá trình lập biên bản đối với vi phạm của anh P. dường như diễn ra suông sẻ cho đến khâu cuối cùng là ký vào biên bản thì anh P. không chấp nhận. Anh trình bày với CSGT rằng muốn đo lại nồng độ cồn một lần nữa vì… sợ sai số. Anh hy vọng con số 0.451 có thể làm tròn thành 0.4 mg/lít khí thở. Lúc này CSGT nhiều lần lý giải rằng, CSGT đã lập biên bản dựa trên kết quả đo từ ban đầu, biên bản đã lập xong nên không thể đo lại nữa.

Tuy nhiên anh P. vẫn không đồng tình, anh đề nghị: “Tại sao không cho mình được đo lại, rồi tính trung bình cộng, chia ra….”.

Kế đến, anh P. còn đề nghị CSGT được quay clip ghi lại hiện trạng của chiếc xe trước khi CSGT đưa xe về trụ sở để có bằng chứng nếu xe anh bị hư hỏng.

Anh P. đề nghị cùng CSGT quay clip ghi lại hiện trạng ban đầu của xe trước khi nó bị đưa về trụ sở. Ảnh: LÊ THOA

Đánh golf, sinh nhật… nên bị phạt cồn

Đội CSGT Rạch Chiếc cũng phát hiện anh Trần Ngọc T. (39 tuổi, ngụ quận 2) có mức vi phạm nồng độ cồn dưới 0.25 mg/lít khí thở. Anh T. kể mình vừa đi đánh golf ở quận Thủ Đức, đang trên đường về nhà. “Tôi định về rồi nhưng tụi nó kêu lại uống, tôi ngồi uống có một ly thôi à” – anh T. phân trần.

Đối với các trường hợp này, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra tài sản trên xe để tài xế mang về. Còn xe sẽ được CSGT dẫn về trụ sở, hẹn người vi phạm lên xử phạt. Trường hợp tài xế không thể tự về, CSGT sẽ hỗ trợ gọi taxi.

CSGT Bàn Cờ phân luồng để đo nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA

Đến hơn 22 giờ cùng ngày, Đội CSGT Bàn Cờ cũng tổ chức phân luồng, tạo khu vực để kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế đối với xe ô tô con tại ngã tư Điện Biên Phủ - Bà Huyện Thanh Quan (quận 3).

Ở khu vực này, CSGT phát hiện anh Đặng Xuân V. (51 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có nồng độ cồn 0.441mg/lít khí thở. Anh V. nói: “Có tiệc mà, bạn ép uống nên tôi có uống tí xíu”. Theo đó, “tí xíu” của anh V. là khoảng một, hai chai bia và anh nghĩ “uống ít nên chạy về được, ai dè gần tới nhà rồi thì bị phạt”.

Cũng tại đây, qua kiểm tra định tính bằng ống thổi hình phễu, CSGT phát hiện một vài trường hợp có cồn.

Tuy nhiên đến khi dùng thiết bị định lượng là ống thổi dùng một lần thì kết quả lại là không cồn. Lúc này các tài xế mới lý giải rằng do trên xe vừa chở sếp, chở khách có uống bia rượu nên trong xe có mùi cồn khá nhiều.

Anh V. kiểm tra và ký vào biên bản xử phạt nồng độ cồn. Ảnh: LÊ THOA

Trước đó, Phòng PC08 Công an TP.HCM, cho biết trong dịp cuối năm, đón Tết dương lịch 2021 cũng như Tết Nguyên đán sắp tới, PC08 sẽ tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

 

Theo PC08, dịp cuối năm, Lễ, Tết là dịp nhiều người thường tụ họp ăn mừng liên hoan nên sẽ sử dụng rượu, bia. Vì thế, việc tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nồng độ cồn sẽ kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông do người điều khiển xe có sử dụng rượu, bia gây ra. 

Phòng PC08 nhấn mạnh sẽ huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý các trường hợp người điều khiển xe máy, ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên các tuyến đường thuộc địa bàn Phòng phụ trách.

Cụ thể, CSGT sẽ tập trung tại các cửa ngõ ra vào TP, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn,…

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng sẽ sử dụng camera được trang bị ghi nhận lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác.

“Khi xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, cán bộ chiến sĩ PC08 sẽ kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm để phát hiện các trường hợp tái phạm nhằm áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính” - đại diện PC08 nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới