Người buôn bán, kinh doanh, đậu xe ở lòng, lề đường tại TP.HCM sẽ phải đóng phí - ảnh: Minh Nam
Thuê như thế nào?Chủ trương thu phí sử dụng vỉa hè đã hình thành từ tháng 10.2008. Lúc đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Cụ thể, vỉa hè, lòng đường đủ điều kiện được phép tổ chức giữ xe, kinh doanh buôn bán, tất nhiên là phải nộp phí. Theo quy định này, mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè đều phải xin chính quyền địa phương cấp phép sử dụng. Cụ thể, với vỉa hè có bề rộng hơn 3m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời có bề rộng 1,5m tính từ mép tiếp giáp nhà bên trong vỉa hè. Trên đường hai chiều có lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép sử dụng một bên lòng đường làm nơi đậu xe; đường rộng tối thiểu là 14m thì cho để xe hai bên. Đường một chiều có lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho để xe bên phải. Sau 1 năm nghiên cứu triển khai quy định trên, đến tháng 7.2009, Sở GTVT đã tham mưu UBND TP ban hành danh mục 217 tuyến đường cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường kinh doanh buôn bán và giữ xe. Trong đó có 134 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng; 42 tuyến cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 41 tuyến cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Tuy nhiên, khi liên sở Tài chính - GTVT đề xuất phương án thu phí và mức phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để áp dụng vào thực tế thì lại vấp phải nhiều ý kiến phản biện vì mức phí không hợp lý và cần phải tăng cường lực lượng biên chế quản lý, thu phí... nên chưa áp dụng vào thực tế. Gần đây, TP quyết liệt yêu cầu liên sở GTVT - Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh nội dung các dự thảo về tổ chức thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP, để trình HĐND TP xem xét thông qua. Như vậy, thay vì cấm người dân buôn bán kinh doanh, để xe trên vỉa hè như lâu nay, sắp tới đây hàng trăm còn đường ở TP.HCM sẽ được chính thức cho kinh doanh, để xe có thu phí. Với biện pháp này, các nhà quản lý hy vọng sẽ lập lại trật tự vỉa hè và có thêm nguồn kinh phí duy tu hạ tầng, giải quyết được nhu cầu của người dân. Dân đồng tìnhNgày 6.12, chúng tôi dạo quanh một số tuyến đường mẫu của TP.HCM, vỉa hè có vạch kẻ giới hạn phần được đậu xe trước cửa nhà các hộ dân, công ty… Cùng một tuyến đường có nơi chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng cũng có nơi lấn chiếm. Khi được hỏi, một số người dân buôn bán nhỏ lẻ trên nhiều tuyến đường lớn đều tán đồng việc thu phí vì cho rằng như thế họ sẽ kết thúc việc mua bán “chui”, lấn chiếm vỉa hè. “Nếu Nhà nước thu phí, tụi tui sẵn sàng đóng vì đó là thu hợp pháp có hóa đơn, chứng từ. Còn hơn cứ phải chung chi ngoài luồng để được tồn tại”, một người dân mua bán trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) thẳng thắn nói. Nhiều người dân cho rằng thu phí là một trong những cách đưa những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè vào quy củ, đáp ứng nhu cầu có thật của người dân, góp phần kiểm soát trật tự đường phố mà còn thu được một phần kinh phí. Cần quản lý chặt Trao đổi với PV, một số đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng việc thu phí sử dụng lòng lề đường hoàn toàn phù hợp theo quy luật tất yếu của các đô thị. Tuy nhiên, điều khiến các đại biểu băn khoăn là một khi TP và các quận, huyện vẫn chưa kiểm soát nổi việc sử dụng vỉa hè một cách hợp lý, có trật tự thì khi triển khai thu phí rất dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, vì những người sử dụng vin vào chuyện “đã đóng phí rồi”!. Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, cho rằng hiện nay vỉa hè, lòng đường tại nhiều nơi trên địa bàn, do công tác quản lý yếu kém, đang bị “xâm lấn” đáng báo động. Tại một số nơi có hiện tượng dung dưỡng việc lấn chiếm vỉa hè, vì những lợi ích cục bộ; có nơi tỏ ra bất lực; một số nơi còn có hiện tượng thả nổi quản lý... Từ những băn khoăn trên, các đại biểu HĐND TP đề nghị TP cần phải kiểm soát thật tốt trật tự hè phố trước khi thực thi việc thu phí sử dụng vỉa hè. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND Q.1: Quản lý các hộ thuê vỉa hè theo hợp đồng Việc thu phí vỉa hè vẫn làm được tốt nếu thực hiện tốt công tác quản lý. Hiện nay, quận đã chỉ đạo các phường nghiên cứu, chọn một số tuyến đường, khu vực, để sau khi HĐND TP thông qua và có chỉ đạo từ UBND TP, quận sẽ làm thí điểm một số tuyến, vài ngành nghề để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, nhu cầu xã hội, đảm bảo văn minh lịch sự... trước khi triển khai đại trà toàn quận. Thay vì để các hộ lấn chiếm để kinh doanh, đậu xe như hiện nay, nay quận sẽ mời họ lên thông báo và ký hợp đồng cho phép sử dụng lòng, lề đường theo từng ngành nghề, nhưng với nguyên tắc phải chừa lối đi cho người đi bộ, có thể theo tỷ lệ 50:50 hoặc 2/3; mức phí thì đóng góp theo quy định của UBND TP; giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm giờ giấc kinh doanh... |
Theo dự thảo, người dân sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán trên các tuyến đường chính thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận sẽ đóng phí 50.000 đồng/m2/tháng. Các quận 6, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh người sử dụng vỉa hè các tuyến đường chính sẽ đóng phí 35.000 đồng/m2/tháng. Những tuyến đường còn lại của các quận này đóng phí 20.000 đồng/m2/tháng. Người buôn bán trên vỉa hè các tuyến đường thuộc huyện Cần Giờ đóng phí 10.000 đồng/m2/tháng. Dự thảo cũng quy định: Trường hợp lập bãi đậu ô tô có thu phí trên vỉa hè đóng phí từ 20.000-70.000 đồng/m2/tháng; bãi xe hai bánh gắn máy đóng phí từ 20.000-60.000 đồng/m2/tháng; để xe tự quản trên vỉa hè, lòng đường để phục vụ kinh doanh trong nhà, cửa hàng... sẽ đóng phí từ 10.000-35.000 đồng/m2/tháng tùy tuyến đường đối với ô tô và từ 15.000-30.000 đồng/m2/tháng đối với xe hai bánh gắn máy. |
Theo Minh Nam - Lê Nga (TNO)