Theo đại diện các siêu thị, một phần do người dân đi chơi lễ, nhưng chủ yếu do người tiêu dùng cắt giảm tối đa chi tiêu, ngay cả những mặt hàng thiết yếu.
Hơn 10 giờ sáng 3-5, nhưng chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn khá vắng lặng, nhiều sạp thịt heo đã đóng cửa từ trước kỳ nghỉ lễ đến nay vẫn chưa mở lại. Những sạp trụ lại buôn bán lay lắt, một vài tiểu thương nằm ngủ vì ngán ngẩm không có khách mua. Khu vực tạp hóa, thời trang... cũng không mấy sáng sủa khi người bán nhiều hơn người mua. Tình hình mua sắm tại nhiều chợ khác trên địa bàn cũng tương tự, vắng vẻ và ế ẩm.
Dù chuẩn bị chu đáo để phục vụ ngày lễ, như huy động thêm đội ngũ tính tiền, tăng thêm lượng hàng, tặng quà, tặng phiếu mua hàng... nhưng sức mua tại các siêu thị trước và trong những ngày lễ vừa qua lại không được như kỳ vọng. Hầu hết siêu thị chỉ đông vào buổi tối. Thực phẩm tươi sống là lựa chọn hàng đầu nhưng cũng giảm tối đa, thay vì mua nhiều thịt, nay người tiêu dùng mua thêm cá, thịt gà, hải sản... Đại diện hệ thống Co.op Mart thừa nhận sức mua yếu hơn những năm trước, giá trị hóa đơn của người tiêu dùng cũng thấp hơn.
Ghi nhận vào sáng 3-5, tại trung tâm mua sắm Aeon (Q.Tân Phú), lượng người đi mua sắm đã giảm hẳn so với ngày cuối tuần và ngày thường. Các chương trình khuyến mãi quần áo đồng giá 100.000 đồng hoặc giảm 50-70% thu hút nhiều người tò mò. Tuy nhiên, người dân xem nhiều, đắn đo nên lượng hàng bán ra không lớn. “Chỉ những mặt hàng khuyến mãi thật sự rẻ, tiện lợi và rất cần thiết mới ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng lúc này” - ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing hệ thống Co.op Mart, cho hay.
Đại diện một nhà bán lẻ khác cũng cho rằng thời kỳ quảng cáo “nổ” để tạo épphê cho người tiêu dùng đã qua. Bây giờ người dân rất tỉnh táo và kỹ càng trong chọn lựa hơn trước. “Nếu khuyến mãi bịch đường, chai dầu ăn, nước mắm thì còn được để ý chứ trúng xe hơi, trúng nhà hay du lịch đâu đó lại trở nên xa vời với người tiêu dùng” - vị đại diện này nói
Theo DŨNG TUẤN (TTO)