Theo báo cáo, tại huyện Vân Đồn dù không có thiệt hại về người nhưng mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề như hồ Nhà Thạch tại xã Đoàn Kết dung tích khoảng 15.000m3 có nguy cơ vỡ, địa phương đã cho phá vai tràn để tăng khả năng tháo nước, hiện nay đã kiểm soát được tình hình. Hai đoạn đường bị sạt lở đã chia cắt thôn Nà Na và thôn Bản Sen. Tuyến kè đường thôn Nà Na bị lũ cuốn trôi khoảng 500m. Tại xã đảo Minh Châu cũng bị sạt lở 100m3 mái ta luy đường. Xã Đông Xá cũng bị sạt lở 400 m (khoảng 2000 m3) ta luy mái tại khu vực đầu cầu Vân Đồn làm tắc nghẽn giao thông.
Tại Thành phố Cẩm Phả: Mưa lũ đã làm chết 3 người (Có 2 trẻ em 5 và 7 tuổi, 1 phụ nữ là mẹ của 2 cháu nhỏ; chủ nhà tên là Đỗ Văn Nhiên) tại Khu 9, phường Mông Dương; 1 người bị thương nhẹ tại phường Cẩm Trung.
Lũ cũng làm trôi 1 xe bán tải tại khu 9, phường Mông Dương; gây ngập cục bộ một số đoạn Quốc lộ 18A. Hiện nước đã rút (ngoại trừ đoạn Km 137 - Quang Hanh nước vẫn ngập khoảng 50 - 70 cm). Nhiều khu vực bị ngập tại phường Cẩm Bình, phường Cẩm Phú và xã Dương Huy, phường Mông Dương gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Tại phường Cẩm Tây, mưa đã làm ngập tại khu Lê Lợi khu Dốc Thông sập 1 gian nhà dân.
Tại Thành phố Hạ Long: Mưa lũ đã gây ngập úng trên 200 hộ thuộc khu 3, 5, 6, 11; cầu Bút Xê nước ngập trên 1,5m thuộc phường Việt Hưng. Theo quan sát của tại khu vực này sáng 27/7, nước đã rút, người dân đã dọn dẹp để ổn định cuộc sống.
Tại phường Hồng Gai, xảy ra hiện tượng sạt lở đổ 1 nhà cấp 4 tại tổ 4, khu 1 (không có thiệt hại về người); do khu vực này không có kè chắn đất nên phải di dời 7 hộ dân liền kề xung quanh.
Phường Bạch Đằng: Sạt lở sân của 1 hộ dân tại tổ 4, khu 3 có nguy cơ ảnh hưởng đến các hộ dân phía dưới, UBND phường đã chỉ đạo phủ bạt để phân thủy tránh gây sạt lở tiếp. Một số vị trí trên tuyến Quốc lộ 18A: Km 128 - Cột 8, Khu công nghiệp Cái Lân, Ngã 3 Tiêu Giao. Đường nội thị (Khu du lịch Bãi Cháy, Hồng Thắng…bị ngập cục bộ với mực nước từ 0,5 - 1,0m) gây gián đoạn giao thông, hiện nước đã rút và các phương tiện đã lưu thông được.Đất đá từ mái ta luy sạt lở khoảng 800m3, ngập cục bộ tại các vị trí (Ngoài các vị trí đã nêu ở các địa phương trên):
Hiện mực nước tại các công trình hồ đập lớn của tỉnh Quảng Ninh đều ở ngưỡng cho phép, một số hồ ở Đông Triều đã xả lũ từ 16 giờ ngày 26/7/2015. Các cống tiêu đã mở hết cửa từ 17 giờ ngày 26/7/2015 (Thời điểm thủy triều bắt đầu xuống).
Tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, đến 12h35 ngày 27/7, mưa vẫn rất to, sạt lở đất khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Lực lượng biên phòng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ người dân.
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả sau mưa bão, sáng ngày 27/7, tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn về công tác phòng chống mưa lũ. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long cho biết: “Đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời gặp lúc triều cường nên mức độ ảnh hưởng là rất lớn. Do đó, hầu hết các địa bàn Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hoành Bồ đều xảy ra úng lụt cục bộ, có nơi lên đến 2m. Nhiều vùng trên địa bàn Cẩm Phả và Vân Đồn bị cô lập, việc tiếp cận để ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương đề phòng lũ quét, cảnh báo và phòng lũ đầu nguồn. Đối với vùng có nguy cơ sạt lở cao, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần kiên quyết di dời các hộ dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe và tài sản người dân.
Những hình ảnh ghi nhận từ trận mưa lịch sử ngày 27/7:
Cửa Ông rạng sáng 27/7
Trung tâm huyện Vân Đồn ngập nước
Đội CSGT – CA huyện Vân Đồn làm nhiệm vụ trong mưa
Sạt lở ở huyện Vân Đồn
Hạ Long ngập trong nước