Chống buôn lậu: Khó cũng phải quyết tâm

Rạng sáng 14-6, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (C74) phối hợp cùng tổ công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã triệt phá một đường dây buôn lậu thuốc lá lớn tại xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ (Long An). Ngoài hai đối tượng cầm đầu bị bắt tại chỗ, tang vật của vụ án thu giữ được gồm hơn 20.000 bao thuốc lá lậu các loại và 13 chiếc xe máy là phương tiện vận chuyển của các đối tượng. Nhân dịp này Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, để tìm hiểu rõ hơn về chuyên án và tình hình chống buôn lậu nói chung.

Chiến công lớn đầu tiên của C74

. Phóng viên: Thưa ông, đây có được coi là một chuyên án lớn và các đối tượng còn lại của đường dây buôn lậu sẽ vẫn bị truy bắt?

+ Ông Trương Văn Ba: Đây cũng có thể coi là một đường dây lớn về buôn lậu thuốc lá tại địa bàn, vì vậy việc đấu tranh thành công chuyên án này là chiến công lớn của C74 sau khi lực lượng này được thành lập và đi vào hoạt động. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, C74 đã phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xây dựng kế hoạch, phối hợp và thực hiện thành công chuyên án trong thời gian ngắn nhất. Đây là địa bàn thuộc biên giới huyện Đức Huệ, Long An, là nơi các đối tượng tập trung tổ chức buôn lậu thuốc lá từ Campuchia về Việt Nam khá nhộn nhịp, hoạt động từ lâu.

Cũng cần nói thêm, tại địa bàn này các đường dây buôn lậu thường được tổ chức chặt chẽ có sự phân công, phân cấp, có số đối tượng tham gia vận chuyển đông, có sự móc nối chặt chẽ trong, ngoài biên giới nên quá trình thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh, điều tra, xử lý rất khó khăn. Chẳng hạn, trong vụ án này việc bố trí người vận chuyển thuốc lá từ Campuchia đến biên giới là khác, từ biên giới về Việt Nam là khác và từ Long An đi tiêu thụ tại các tỉnh là một số đối tượng khác.

Hiện nay cơ quan điều tra vẫn đang phối hợp với các lực lượng khác để tiến hành điều tra mở rộng.

. Khó khăn trong vụ án này và trong việc chống tội phạm buôn lậu nói chung là gì, thưa ông?

+ Trước hết là việc phối hợp giữa nhiều cơ quan khác nhau. Chúng tôi phải phối hợp với nhiều lực lượng như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường và công an địa phương. Trong đó C74 là lực lượng chuyên trách (khác với Cục Cảnh sát kinh tế trước đây), chỉ “đánh án” buôn lậu nên có vai trò quan trọng.


Các đối tượng bỏ chạy, quăng lại xe và tang vật.

Thứ hai là trong đấu tranh phải tránh việc nổ súng để không bị các đối tượng lợi dụng kích động người dân khu vực tập trung chống người thi hành công vụ, để các đối tượng lợi dụng cướp hàng, tẩu tán tang vật, giải thoát đối tượng. Mặc dù bị các đối tượng chống trả quyết liệt nhưng anh em vẫn phải khống chế để tránh việc nổ súng và thương vong. Hồi tháng 11-2014, khi Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia bắt giữ đường dây buôn lậu tại địa bàn Đức Huệ, Long An thì ngay lập tức bọn chúng đã kích động kéo theo hơn 400 người dân vây quanh hiện trường khiến việc triển khai rất khó khăn.

Thứ ba là do đặc thù hoạt động buôn lậu thuốc lá thường xảy ra ở các vùng biên giới, có địa hình hiểm trở, nhiều rừng cây, đường độc đạo nên việc triển khai lực lượng dễ bị các đối tượng phát hiện. Sự phối hợp giữa chúng tôi với cơ quan chuyên môn của các quốc gia khác cũng gặp rất nhiều khó khăn do chính sách của từng quốc gia cũng có nhiều sự khác biệt. Ví dụ, trong chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu thuốc lá này, chúng tôi đã phải theo dõi rất vất vả và bắt quả tang vào ban đêm trong rừng tràm dưới điều kiện trời mưa tầm tã. Tuy nhiên, qua việc triệt phá đường dây này và bắt các đối tượng cầm đầu đã khẳng định chúng tôi sẽ quyết tâm đấu tranh tới cùng với nạn buôn lậu thuốc lá, thực hiện nghiêm Chỉ thị 30/CP và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Không nên dùng hàng lậu

. Quan điểm của ông về vai trò của việc phòng, chống buôn lậu hiện nay như thế nào?

+ Rõ ràng buôn lậu là hoạt động gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế của đất nước, nó tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh không bình đẳng, ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành sản xuất trong nước, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng do chất lượng hàng hóa không được bảo đảm. Nó còn khiến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội thêm phức tạp, nhất là ở các địa bàn tồn tại các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Từ đó tôi cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ như các phương tiện truyền thông báo chí cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân; ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng biên giới để tạo công ăn việc làm cho người dân; chính quyền các địa phương cần chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống buôn lậu, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên phải kiên trì thực hiện. Các doanh nghiệp cũng nên chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để thông tin về sản phẩm, bảo vệ thương hiệu của mình. Về phía người tiêu dùng, hãy chứng tỏ mình là một người thông minh bằng cách nhận biết rõ tác hại của việc dùng hàng lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để loại bỏ chúng và ủng hộ cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và ủng hộ, giúp sức cùng với các lực lượng chức năng đấu tranh kiên quyết với hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước.

. Chế tài xử lý tội phạm buôn lậu hiện nay có gì bất ổn không, thưa ông?

+ Nói chung quy định pháp luật hiện nay là ổn, tuy nhiên một số điểm chưa phù hợp, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã chỉ đạo Văn phòng thường trực 389 Quốc gia phối hợp cùng các bộ, ngành trình sửa đổi, bổ sung. Hiện nay Bộ Công Thương đang trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 185-2013 của Chính Phủ và Thông tư liên tịch số 36-2012 của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, VKSND Tối cao, TAND Tối cao. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi sẽ theo hướng tăng chế tài xử lý, chẳng hạn nếu buôn lậu 500 bao thuốc lá trở lên thì bị xử lý hình sự, thay vì phải 1.500 bao như hiện nay...

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới