Chồng hành hung vợ con bị xử lý thế nào?

(PLO)- Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc chồng hành hung vợ con khiến dư luận xôn xao. Hành vi này tùy vào mức độ có thể bị xử phạt, thậm chí nếu đủ yếu tố có thể bị xử lý hình sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, PLO đăng bài viết “Một phụ nữ làm đơn tố cáo chồng gửi đến Công an” khi chồng nhiều lần nhậu say về hành hung vợ con. Gần đây nhất, chị cho biết, vào tối 21-10, con trai 11 tuổi bị cha tát và dùng chổi đánh vào người, đầu. Sau sự việc, chị đã đưa con trai đi khám và được bác sĩ chẩn đoán cháu bị đa chấn thương vùng đầu.

Trao đổi với PLO về sự việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, khi nhận đơn, cơ quan Công an sở tại cần đưa cháu đi giám định tỉ lệ thương tật, đồng thời điều tra xác minh người chồng dùng hung khí gì gây ra thương tích. Từ đó có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.

Theo đó hành vi cố ý gây thương tích tùy theo mức độ, tính chất cũng như hậu quả sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự hoặc xử phạt hành chính thỏa đáng. Hành vi này sẽ bị khởi tố về hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội này.

Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc hây tổn hại cho sức khỏe của người khác tùy theo tính chất mức độ mà áp dụng các mức phạt khác nhau.

Về cơ bản, hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị khởi tố hình sự theo khoản 1 Điều 134 nếu mức độ thương tích từ 11% đến 30%. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi gây thương tích mà có một trong các điều kiện được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì dù mức độ thương tích dưới 11% vẫn có thể bị khởi tố hình sự….

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình

Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình số 13/2022, người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm sau: Chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; Chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Đồng thời, kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị. Chăm sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình từ chối; Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài ra, người có hành vi bạo lực gia đình là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình thì không được thực hiện quyền của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật quy định của Luật này đối với vụ việc bạo lực gia đình do mình thực hiện.

Cũng theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình số 13/2022, người trong gia đình cần có trách nhiệm cùng nhau giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.

Đồng thời phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan

Chồng-hành-hung-vợ-con-bị-xử-lý-thể-nào.jpg
Hình ảnh người phụ nữ ở Đắk Lắk cho rằng mình liên tục bị chồng hành hung. Ảnh: ND

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm