LTS: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực được dự báo chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu.
Nguy cơ ấy thường xuyên được cảnh báo và Chính phủ đã có những quyết sách để giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cho vùng này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống người dân nhiều đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngập nặng mỗi khi mưa lớn và triều cường.
Mưa tần suất lớn, kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ là khu vực trung tâm các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, Long Xuyên… lại ngập nước.
Ngoài ra, những tháng cuối năm, triều cường lên cao, nước tràn ra khắp các đường phố làm người dân ngán ngẩm. Cá biệt có nơi ngập kéo dài 3-4 ngày, thậm chí gần cả tháng. Tình trạng ngập ở các đô thị vùng ĐBSCL không còn là câu chuyện mới, bởi cứ đến hẹn lại… ngập và tình trạng này ngày càng có nguy cơ trầm trọng hơn.
Đến hẹn lại… ngập
Bà Lâm Thị Ngọc Hân (61 tuổi, ngụ đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho hay sống hơn nửa thế kỷ ở TP Cần Thơ nhưng chuyện ngập nước nặng trong TP chỉ xảy ra vài năm gần đây. Mỗi năm, từ đầu tháng 7 âm lịch là các gia đình ở đây lại lo lắng vì nước ngập không mua bán được gì, cuộc sống gần như bị xáo trộn.
“Đoạn từ cầu Rạch Ngỗng 1 đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ cứ triều lên là ngập, có khi ngập đến đầu gối, không mua bán được gì. Nhà cửa bị ngập lênh láng, khổ lắm!” - bà Hân than thở.
Một hộ kinh doanh ăn uống trên đoạn hồ Búng Xáng (TP Cần Thơ) bộc bạch: “Cứ bắt đầu tháng 7 âm lịch là rầu, nước ngập làm ảnh hưởng việc kinh doanh. Năm 2019 có lúc nước ngập tới yên xe, di chuyển còn không được thì buôn bán gì nữa”.
Mới đây, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, trong tối 22 và sáng sớm 23-10, nhiều tuyến đường trong nội ô TP đã xuất hiện tình trạng ngập cục bộ do triều cường. Cụ thể, trên đường Mậu Thân (đoạn từ cầu Rạch Ngỗng 1 đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ), đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Cừ nối dài... nước ngập hơn nửa bánh xe, gây khó khăn cho người dân lưu thông.
Còn tại TP Vĩnh Long, một số tuyến đường trong trung tâm TP ngập sâu 0,3-0,4 m. Đặc biệt, tuyến đường Mậu Thân bị ngập toàn tuyến và nơi ngập sâu nhất khoảng 0,5 m. Nhiều phương tiện lưu thông bị chết máy, đời sống người dân đảo lộn, việc mua bán kinh doanh bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của PV vào trưa 3-11, trên tuyến đường Mậu Thân nước vẫn chưa rút hẳn, để chống ngập nhiều người dân sử dụng bao cát làm đê, có trường hợp xây hẳn tường gạch chắn nước vào nhà.
Bà Võ Thị Hường (65 tuổi) bán tạp hóa, thức ăn vặt ở tuyến đường Mậu Thân cho biết tuyến đường này chỉ mới bị ngập vài năm nay nhưng mức độ ngày càng nghiêm trọng. “Năm trước nước chỉ ngập phía trước quán, còn năm nay nước bò ra tận phía sau, tất cả đồ đạc phải kê lên hết” - bà Hường than.
Không chỉ trung tâm TP, một số tuyến quốc lộ (QL) đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long như QL53, QL1A bị ngập sâu khiến các xe lưu thông gặp khó khăn, ùn tắc. Đặc biệt, sau các đợt ngập, mặt đường nhựa các tuyến QL bị bong tróc, “ổ gà”, “ổ voi” mọc lên chi chít. Triều cường những ngày cuối tháng 10 vừa qua đã nhấn chìm khoảng 3 km QL1A đoạn qua xã Thuận An, thị xã Bình Minh và có đoạn nước ngập sâu đến 1 m khiến xe máy và cả ô tô không thể lưu thông.
Cũng như TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, ngay từ đầu tháng 10, nhiều đường phố TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) ngập sâu trong nước. Tình trạng ngập kéo dài tới gần một tháng khiến đường phố hư hỏng nặng, đời sống cư dân đảo lộn. Theo UBND TP Cà Mau, trên nhiều tuyến đường bị ngập, nhiều hàng quán phải đóng cửa do không thể buôn bán trong biển nước.
Ngập nước tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Cách Mạng Tháng Tám (TP Cần Thơ) vào ngày 3-11. Ảnh: CHÂU ANH
Đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), TP Cần Thơ ngập nặng (chiều 3-11), gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân. Ảnh: CHÂU ANH
Nếu mưa lớn, ngập sẽ đột biến
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, cho biết: “Năm nay, mức đỉnh triều và lũ về thấp hơn năm 2019. Tuy nhiên, những con nước sắp tới được dự báo ở mức cao, 2,03-2,08 m, nếu xuất hiện những trận mưa lớn thì tình hình ngập cũng sẽ đột biến. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình để thông tin sớm đến người dân và các cơ quan liên quan nhằm chủ động trong công tác ứng phó với ngập”.
Ông Ninh cho biết theo thống kê, tính cả đô thị và nông thôn có khoảng 60% các tuyến đường có cao trình 0,5-1 m nên rất dễ bị ngập khi triều cường lên cao. Cạnh đó, hệ thống thoát nước cũng đã cũ, không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước cho đô thị. Khoảng ba năm trở lại đây, mức đỉnh triều cao hơn 2 m và kéo theo tình trạng ngập diễn biến phức tạp.
Năm 2020, rút kinh nghiệm những năm trước, UBND TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó chủ động ứng phó theo phương châm bốn tại chỗ là chính. “Cụ thể, đối với những nơi thường xuyên ngập sâu, TP chỉ đạo cảnh báo bằng nhiều cách để tránh trường hợp khi có ngập người dân không phân biệt được các hố sâu nguy hiểm. Đối với các địa bàn trung tâm, vào thời điểm triều cường, lực lượng chức năng sẽ tổ chức điều tiết, phân luồng, hướng dẫn giao thông hỗ trợ người dân” - ông Ninh cho biết thêm.
22,5 tỉ đồng đã được UBND tỉnh Cà Mau quyết định cấp bổ sung để TP Cà Mau thực hiện ngay việc sửa chữa các tuyến đường hư hỏng do ngập nước, giải quyết khó khăn về giao thông đi lại cho người dân. |
Về tình trạng ngập nước của TP Cà Mau, trao đổi với PV, ông Lê Tuấn Hải, Quyền Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho hay: “Đường Lý Văn Lâm qua phường 1 và phường 2 là con đường cập sông Cà Mau. Con đường này trước giờ dù mưa lớn hay triều cường đều không bị ngập nhưng hiện nay lại ngập sâu, sóng dưới sông Cà Mau đã đánh trực tiếp vào nhà người dân”.
Ông Hải cũng thông tin trong lịch sử, triều cường kỷ lục ở đô thị Cà Mau được ghi nhận vào ngày 26-11-1984 là 0,95 m. Tuy nhiên, hiện nay, cụ thể là vào ngày 22-10 vừa qua, triều cường ở TP Cà Mau đã đạt mức 1,13 m. “Mức triều cường này là cao nhất từ trước tới nay” - ông Lê Tuấn Hải nói.
Phía tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Khắc Yên Đan, Trưởng Phòng kế hoạch Công ty CP Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện trên toàn TP Vĩnh Long có 20 điểm ngập do triều cường. Hằng năm đơn vị đều được TP phân bổ vốn cho công tác trực bơm nước, đắp bao cát tại các điểm ngập trong mùa lũ. Tuy nhiên, năm nay triều cường lên cao hơn nên ngập nhiều hơn, gây khó khăn cho công tác chống ngập.
Cũng theo ông Đan, hằng năm đơn vị lắp đặt các van một chiều, chặn hết các miệng cống, các hố ga. Gần cửa xả còn có các van phụ khi nước rút thì rút van để xả. Các máy bơm cũng hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, do máy có công suất nhỏ, lượng nước quá lớn, bơm không kịp nên tình trạng ngập vẫn diễn ra.
Đường hỏng, hoa màu hư do ngập Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, vào giữa tháng 10, mưa lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp với triều cường đã gây ngập sâu cho khu vực đô thị tỉnh Cà Mau. Đối với vùng ven thuộc khu vực ngọt hóa Thới Bình, Đầm Dơi, U Minh… mưa lớn nhưng nước rút không kịp, gây ngập nặng. Tình trạng này làm thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân.
Tại TP Cần Thơ, những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các cơn bão và triều cường đã làm cho nhiều tuyến đường trên địa bàn bị ngập, đọng nước thường xuyên. Theo đó, nhiều cầu, mặt đường bị hư hỏng nặng như cầu Hưng Lợi, khu vòng xoay nút giao IC3, đường dẫn cầu Cần Thơ, các QL80, 61C, tuyến tránh Thốt Nốt... Sở GTVT TP Cần Thơ cũng vừa có công văn yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các cầu, đường bị hư hỏng này. |