Đó là vấn đề được ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, đặt ra tại hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 25-9. “Phòng, chống gì thì phòng, chống nhưng quan trọng nhất là thu hồi lại tối đa tài sản tham nhũng. Tham nhũng một đồng cũng là xấu. Tại Singapore, công chức tham nhũng 1 đôla cũng bị đưa ra khỏi bộ máy. Ta có làm được như thế không hay lại sợ không có người làm việc?” - ông Thống nhấn mạnh.
“Chống ai, ai chống, bây giờ chống ai?”
Góp ý cho dự thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Vũ Đức Khiển quan tâm đến phạm vi chống tham nhũng. Dự thảo luật quy định phạm vi chống tham nhũng bao gồm cả các tổ chức chính trị. “Vậy những cơ quan của Đảng có phải là đối tượng của luật hay không?” - ông Khiển đặt vấn đề và tán thành áp dụng luật này với các cơ quan của Đảng nhưng lưu ý việc triển khai rất phức tạp.
Lý giải điều này, ông Khiển nói: “Hiến pháp đã quy định Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, đồng thời gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Dự thảo luật mở rộng phạm vi các tổ chức chính trị-xã hội là đúng”.
Góp ý về phạm vi chống tham nhũng, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, nhắc lại câu nói tồn tại lâu nay trong dư luận “Chống ai, ai chống, bây giờ chống ai?” và cho rằng: “Chỉ cần tập trung vào những cá nhân ở những vị trí có khả năng tham nhũng cao nhất thôi”.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, bồ nhí cũng là nguồn cơn của tham nhũng. Ảnh: CHÂN LUẬN
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng trong khu vực tư. Theo ông Huỳnh, tạm thời chưa nên đặt ra vấn đề này. “Chống tham nhũng trong khu vực công chưa xong, nếu chúng ta chống cả tham nhũng trong khu vực tư thì nguồn lực không đủ và trọng tâm chống tham nhũng có thể bị dịch chuyển khiến doanh nghiệp khó phát triển, bị nhũng nhiễu” - ông Huỳnh nói.
Tuy vậy, ông Cao Văn Thống, Ủy viên UBKT Trung ương, lại có quan điểm khác khi cho rằng cần phải tiến hành chống tham nhũng trong cả hai khu vực công và tư nhưng phải chọn lọc và thí điểm. “Nếu bây giờ không làm thì chậm rồi. UBKT Trung ương sáu năm trước đã nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ có chức quyền và doanh nghiệp. Tình trạng rửa tiền là rất tinh vi, chỉ định thầu cũng nhiều mưu mẹo. Người ta thông thầu hết rồi, đến lúc cuối cùng chỉ còn một doanh nghiệp tham gia đấu thầu” - ông Thống nói.
Quyền lực sinh đẻ ra tham nhũng
Cũng theo ông Cao Văn Thống, quyền lực sẽ sinh ra tham nhũng. “Quyền lực chính trị đẻ ra chức quyền và hệ quả là chạy chức, chạy quyền. Quyền lực lập pháp đẻ ra chạy quyền lợi cho nhóm, ngành cục bộ. Quyền lực hành chính cũng đẻ ra chạy thủ tục. Quyền lực tư pháp đẻ ra chạy thắng kiện. Quyền lực kinh tế đẻ ra tham nhũng tài chính, thất thoát ngân sách. Quyền lực cuối cùng là thông tin cũng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”… Vậy phòng ngừa thế nào?” - ông Thống phân tích và đặt vấn đề.
Trả lời cho vấn đề trên, các đại biểu đều chung nhận định rằng: Cần phải thực hiện cơ chế công khai, minh bạch thì mới có thể chống tham nhũng. Chẳng hạn, ông Chức đề nghị cần minh bạch việc kê khai nhà cửa vì đây không phải là đời tư. “Nếu có ba nhà cứ bảo tôi có ba nhà, có sao đâu. Nhà tôi thuê, cứ nói thuê của ai, bao nhiêu thế thôi. Cứ phải làm rõ thì mới chống được. Chứ không thì sẽ xảy ra tình trạng nói thì hay lắm nhưng khi lòi ra thì mới biết có mấy cái nhà lậu” - ông Chức nói.
Theo ông Chức, Điều 68 dự thảo ghi rất rõ là công khai tài sản và tài khoản ở nước ngoài. “Nếu làm được thì tốt lắm. Nhiều người bảo thôi thì tham nhũng cũng được nhưng người ta xây nhà, chùa chiền, miếu mạo, để tiền ở trong nước cũng được, chứ gửi ra nước ngoài thì mất luôn” - ông Chức nói và đề nghị ban soạn thảo cố gắng triển khai thật rõ vấn đề này.
GS Lê Hồng Hạnh thì cho rằng cần phải công khai, minh bạch tiêu chuẩn, tài sản của cán bộ để chống tham nhũng. “Chẳng hạn các tiêu chuẩn, chính sách đặc thù với cán bộ có chức quyền như ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương phải công khai để dân biết được, không thắc mắc và có niềm tin vào cuộc chiến chống tham nhũng” - GS Hạnh đề nghị.
Ông Thống lại đề cập đến vấn đề độc lập trong chống tham nhũng. Nhắc tới vụ án Năm Cam, ông Thống nhận định khi đó tướng Nguyễn Việt Thành phải sử dụng lực lượng của Bộ Công an và tỉnh khác vào đánh án. “Nếu dùng lực lượng ở đó là chết ngay” - ông Thống nói.
Bồ nhí cũng là nguồn cơn của tham nhũng Theo ông Nguyễn Viết Chức, bồ nhí cũng là nguồn cơn của tham nhũng. “Luật quy định một vợ một chồng. Nhưng có trường hợp nghỉ hưu rồi mới lộ ra có con ở chỗ khác. Văn hóa suy thoái là ở chỗ đấy. Anh có bồ nhí thì phải cố gắng mà lấy tiền, giấu vợ rồi chuyển cho bồ. Cái đó cũng tạo ra tham nhũng” - ông Chức lý giải. Ông Chức cũng hoan nghênh tinh thần xây dựng chế độ liêm chính, thể hiện qua việc dự luật chi tiết những người được gọi là người thân. “Thôi thì danh sách dài cũng được, để tránh nhiều cán bộ say sưa công tác quá lại quên mất đâu là người thân…” - ông Chức nói. Cái gốc là cơ chế bổ nhiệm Theo đại biểu QH Ngọ Duy Hiểu, việc bổ nhiệm người nhà khiến tham nhũng dễ hơn vì người tham nhũng ỷ lại có người nhà che chắn. “Cái gốc của PCTN là cơ chế bổ nhiệm” - ông Hiểu nói và đề nghị sau khi bổ nhiệm một cán bộ thì phải công khai xem cán bộ đó có bao nhiêu họ hàng trong hệ thống chính quyền. Mặt khác, ông Hiểu đề nghị vận dụng kinh nghiệm thời xưa như được quy định trong luật hồi tỵ để bổ nhiệm cán bộ. “Tôi từng là bí thư một huyện không phải ở Hà Nội. Khi đó tôi phải giữ gìn và việc bổ nhiệm người nhà cũng khó xảy ra. Nếu đột phá được trong chính sách này là rất tốt” - ông Hiểu đề xuất. |