Báo cáo phòng, chống tham nhũng do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xây dựng cho thấy hàng triệu cán bộ, công chức kê khai tài sản nhưng chỉ ba trường hợp vi phạm. Đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thẳng thắn: “Tham nhũng tràn lan, dân đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh ông nào tham nhũng nhưng xử lý quá ít, chỉ 25 người đứng đầu bị kiểm điểm, phê bình vì để cho tình trạng tham nhũng ở cơ quan xảy ra. Người dân sẽ nói làm hời hợt quá. Đây là con số không thể nào tin được”.
Những con số khiêm tốn trên đây thực ra rất tương phản với tình hình những đại án đã và đang được đem ra xét xử. Ở đó những hành vi hối lộ, tham nhũng được mô tả chi tiết và thậm chí là liên quan tới cấp cao.
Nếu chỉ có ba đảng viên vi phạm và 25 người đứng đầu bị kiểm điểm, phê bình vì để tham nhũng xảy ra thì rõ ràng tình hình tham nhũng… không có gì đáng ngại. Nhưng thực tế, điều này lại trái ngược với những lo ngại của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi coi tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Việc không phù hợp giữa báo cáo và thực tế về tham nhũng hẳn nhiên có thể có những nguyên nhân khách quan, chủ quan nào đó. Có thể những kết quả ấy chỉ là những thống kê cơ học từ báo cáo của cơ sở. Nhưng điều ấy cũng phản ánh một thực trạng rằng: Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn gặp vô vàn khó khăn.
Ý kiến của ông Võ Trọng Kim thật đáng suy ngẫm: “Cơ quan nào cũng nói phòng, chống tham nhũng nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả”. Nếu quả thật như thế thì các “phương lực” trong công cuộc chống tham nhũng đang triệt tiêu lẫn nhau. Người thì chống tham nhũng, người thì chống lưng - cái bức tranh ấy ngẫm cho kỹ thật là đau thắt gan thắt ruột.
Nhiều ý kiến đề nghị thành lập một đơn vị chống tham nhũng chuyên trách. Tất nhiên đây là một hướng ra khả dĩ nhưng sẽ rất khó mang lại hiệu quả khi cả hệ thống chính trị chưa cùng nhau vào cuộc. Rõ ràng cơ chế tự phát hiện tham nhũng vẫn là một điều gì đó rất khó khăn để khả dĩ mang lại hiệu quả, bởi khó tự chính trong bản thân nó - chống thành công thì người cùng cơ quan ghét bỏ, chống không thành công thì bị quy kết là gây rối nội bộ.
Còn nhớ, gần một năm trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải: “Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta. Ai dám nhận kỷ luật, chỉ kiểm điểm nghiêm túc rồi thôi”. Chỉ lời phát biểu này thôi cũng đủ để nhìn nhận tổng quát những khó khăn đang làm nản lòng những người thực sự tâm huyết, sống chết với công cuộc chống tham nhũng.
Bởi xét cho đến cùng, nếu chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị thì lẽ ra những cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu. Nhưng khi “ta đánh vào ta” thì đúng là chỉ kêu gọi thì chưa đủ. Tham nhũng dường như ai cũng thấy, cũng có thể cảm nhận nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để chiến đến cùng với tham nhũng.
Nhân dân vẫn trông chờ cuộc chiến chống “giặc nội xâm” phải mạnh mẽ như chống giặc ngoại xâm, rằng “Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông” mà cụ Nguyễn Trãi năm xưa đã định đặt trong thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo.