Đại diện LĐLĐ huyện Củ Chi thông tin quan hệ lao động ở doanh nghiệp này đã âm ỉ từ nhiều năm nay, tuy nhiên chưa một lần cán bộ công đoàn trên địa bàn biết mặt mũi ông Nam Sungho, chủ doanh nghiệp này như thế nào. Những lần làm việc vị này đều ủy quyền cho cấp dưới, trong khi công nhân nhất quyết yêu cầu ông này xuất hiện để đối chất.
Vị đại diện công đoàn thông tin thêm công ty này hiện đang nợ 27 tỉ đồng BHXH và hơn 3 tỉ đồng tiền lương của công nhân. Bất an vì Tết cận kề, công nhân đã ngưng việc thay nhau "trực chiến" tại nhà máy để yêu cầu chủ doanh nghiệp thanh toán tiền lương, tuy nhiên họ được ứng 1,2 triệu đồng/người tiền lương của tháng 12.
"Dù nợ BHXH đầm đìa và bị cơ quan BHXH khởi kiện trước đó nhưng công ty này vẫn chây ì không chịu đóng cho người lao động. Bây giờ tổ chức công đoàn đại diện theo ủy quyền của công nhân để tiếp tục kiện càng khó hơn vì vướng thủ tục ủy quyền của hàng trăm lao động" - đại diện công đoàn huyện Củ Chi nói.
Nói về tình cảnh nợ lương, BHXH của hàng trăm công nhân, ông Vương Duy Lam, Quản đốc xưởng may của Công ty TNHH Nam Phương, xác nhận chủ doanh nghiệp không xuất hiện để giải quyết các tranh chấp về tiền lương, BHXH nhưng vẫn có liên hệ với một số người trong công ty và nói rằng đang kiếm đơn hàng để có tiền trả lương còn lại cho công nhân.
Về lộ trình đóng khoản nợ 27 tỉ đồng BHXH cho người lao động, ông Lam thông tin ông chưa nghe công ty bàn đến vấn đề này.
Theo ông Lam, Tết đang cận kề trong khi công ty vẫn còn nợ một phần lương và BHXH hàng chục tỉ đồng khiến anh chị em công nhân tâm tư. Trước đó cận Tết năm 2017, công ty cũng lâm vào tình cảnh khó khăn nhưng công ty vẫn xoay xở thưởng tháng 13 cho công nhân.
“Do công ty còn nợ BHXH nên công nhân không được khám chữa bệnh, chế độ thai sản, BHTN theo quy định. Theo đó, những trường hợp ốm đau, thai sản… công ty căn cứ trên giá trị hóa đơn thanh toán để giải quyết cho người lao động” - ông Lam nói.
Về tình trạng thấp thỏm lo Tết của công nhân lao động khi Tết đang cận kề, ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza) , cho hay tình "cảnh chẳng đặng đừng" Công đoàn Hepza hướng dẫn thủ tục và ủy quyền cho Công đoàn Hepza đứng ra khởi kiện công ty về tiền lương và BHXH. Tuy nhiên, số công nhân ủy quyền khởi kiện còn ít.
Hiện có khoảng 200 công nhân đã trở lại làm việc để kịp giao một đơn hàng châu Âu để nhận một khoản tiền thanh toán một phần tiền lương cho người lao động.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo công nhân có Tết, trước mắt Công đoàn Hepza phối hợp các cơ quan chức năng yêu cầu công ty này thanh toán 50% tiền lương tháng 12 cho công nhân. Cùng đó, nơi này đang làm công văn đề nghị LĐLĐ TP.HCM hỗ trợ mỗi công nhân một phần quà Tết trị giá 500.000 đồng.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn cũng liên hệ các doanh nghiệp để tuyển số công nhân ở công ty này vào làm việc. Theo đó, có một công ty đã thông báo tiếp nhận toàn bộ 600 công nhân, tuy nhiên các công nhân vẫn chưa có quyết định vì cho rằng nơi làm việc khá xa chỗ làm hiện tại.
Ngoài tình cảnh bấp bênh của hàng trăm công nhân Công ty TNHH Nam Phương, trước đó Công ty TNHH Dệt Kim Fenix (KCX Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM) cũng đang làm thủ tục phá sản. Hiện công ty này cũng đang nợ 8,3 tỉ đồng BHXH của công nhân.