Trước sự bức xúc của người dân về tình trạng hát karaoke tự phát gây ảnh hưởng đến người khác, nhiều chủ nhà trọ đã đưa ra những giải pháp để dẹp bỏ tình trạng này.
Ra hẳn nội quy nhà trọ: Cấm hát karaoke
Ông Trần Văn Phát, là chủ nhà trọ tại địa chỉ 609/9/5 quốc lộ 13, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, chia sẻ: “Khu nhà trọ tôi có nhiều người đang thuê, có phòng có cả em bé nhỏ nên rất cần sự yên tĩnh. Trước đây cũng có người thuê trọ tổ chức tiệc tùng rồi kéo loa về hát ầm ĩ. Tôi thấy rất phiền và ảnh hưởng đến người khác nên tôi ra hẳn nội quy nhà trọ là cấm hát karaoke tự phát trong khu vực nhà trọ. Tuy là nhà trọ nhưng tôi vẫn muốn khách thuê được thoải mái như ở nhà của chính họ nên không cho những khách nào thuê không có ý thức mà làm phiền đến người khác”.
Một khu nhà trọ ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức đã dẹp được nạn karaoke tự phát sau khi đưa ra nội quy không được hát karaoke tại khu trọ. Ảnh: ĐẶNG LÊ - PHẠM ANH
Anh Bùi Văn Thảo, một chủ nhà trọ tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM, cho hay khu trọ của mình không phải là điểm nóng về tình trạng karaoke tự phát.
Sở dĩ không có tình trạng trên là do đa số người sống tại đây đều có ý thức. Lâu lâu có dịp tổ chức tiệc tùng mang tính tập thể thì vẫn hát bình thường nhưng chỉ hát vừa đủ nghe và sẽ lựa giờ hát hợp lý, biết điểm dừng.
“Một nhóm nhỏ nào đó muốn hát thì sang những phòng lân cận hỏi ý kiến. Nói chung đa số người tôi cho về đây ở đều có ý thức vì cộng đồng nên không phải mệt mỏi để giải quyết chuyện karaoke tự phát” - anh Thảo thông tin.
Không đồng ý với nội quy thì khỏi ở
Không chỉ tại TP.HCM, thời gian qua trên fanpage PLOchúng tôi cũng nhận nhiều phản ánh của người dân ở Bình Dương và các tỉnh khác than phiền về tình trạng karaoke tự phát.
Anh Hoàng Văn Đại, một người đang sống trong một khu nhà trọ thuộc thị xã Tân Uyên, Bình Dương, cho biết khu trọ mà mình đang ở chủ yếu là công nhân và sinh viên. Mặc dù chỉ ở đó một thời gian ngắn nhưng anh thường xuyên chứng kiến cảnh mọi người trong khu trọ cãi nhau vì một nhóm người hát karaoke làm ảnh hưởng tới cả khu trọ.
“Chủ yếu mọi người ở đây là lao động phổ thông nên lựa chọn hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Đi làm về đã mệt mỏi thì chớ, muốn chợp mắt ngủ chút cũng không được yên. Có nhiều trường hợp không chịu được đã ra nhắc nhở rồi hai bên cự cãi, đánh lộn với nhau. Chính vì nạn hát karaoke tại đây nên tôi đã quyết định dọn đi chỗ khác ở” - anh Đại chia sẻ.
Khu nhà trọ của ông Nguyễn Thọ đã dẹp được nạn karaoke tự phát sau khi đưa ra nội quy không được hát karaoke tại khu trọ. Ảnh: ĐẶNG LÊ - PHẠM ANH
Ông Nguyễn Thọ (phường Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, Bình Dương) cho biết ông được giao quản lý một khu trọ có 25 phòng.
Trước đây ông cũng vất vả, khổ sở với khu trọ này bởi việc gây gổ, thậm chí đánh nhau vì việc hát karaoke của các phòng trong khu trọ.
“Cứ cuối tuần là mạnh phòng nào phòng nấy tổ chức tiệc tùng, ăn nhậu rồi đem loa kéo ra hát ầm ĩ. Không tuần nào là không có chuyện phải giải quyết vì mâu thuẫn từ việc hát karaoke tự phát, có khi phải nhờ công an phường đến xử lý” - ông Thọ nói.
Sau này, để giải quyết tình trạng này, chủ trọ ra nội quy đối với người thuê trọ là tuyệt đối không được tổ chức tiệc tùng, ăn nhậu đông người; không được đem loa kẹo kéo vào khu trọ, không hát karaoke tại phòng trọ. Ai vi phạm thì không cho ở; người mới đến thuê đồng ý với nội quy này thì thuê, không thì thôi.
“Ban đầu, nghe quy định vậy, một số người không đồng ý thuê, nói cuối tuần là phải cho họ ăn nhậu, hát hò giải trí, quy định vậy khó quá, khu trọ phải chấp nhận trống phòng trong vài tháng. Nhưng thời gian sau lại có nhiều người đến thuê, lý do là họ không chịu nổi nạn tra tấn bằng karaoke cuối tuần ở nhà trọ cũ. Sau đó, một số chủ nhà trọ khác cũng làm theo cách này vì họ cũng quá khổ sở, mất thời gian khi giải quyết hậu quả của nạn karaoke trong khu trọ của mình” - ông Thọ nói.
Lập tổ phản ứng nhanh trị karaoke tự phát Không chỉ tại các dãy trọ mà ngay tại các khu chung cư trên địa bàn TP.HCM cũng thường xảy ra tình trạng người dân bị tra tấn bởi tiếng karaoke. Anh Tô Vĩnh Đạt (chung cư Khang Gia, phường 14, quận Gò Vấp) cho biết trong group Facebook của cư dân tại đây vài hôm lại có người đăng bài lên than phiền mệt mỏi vì không chịu nổi tiếng hát của những người đang ăn nhậu ở một tầng nào đó. Có người vì quá mệt mỏi chỉ biết lên Facebook đăng thông tin “Đến hẹn lại lên, 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm.... Ơi là trời!”. “Tình trạng trên đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn không được giải quyết triệt để. Cư dân phản ánh tới phường, một lúc sau lực lượng chức năng của phường có mặt ngay để xử lý nhưng sau đó lại có chỗ khác hát tiếp. Đỉnh điểm là đầu năm 2020, cư dân tại đây đã bàn với nhau cùng làm đơn kiến nghị giải quyết ô nhiễm tiếng ồn và nhận được sự ủng hộ cao của cộng đồng cư dân nhưng sau đó đâu lại vào đấy” - anh Đạt kể lại. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Trọng Xuyên, Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp, cho biết ngày 26-2-2021 UBND phường đã ban hành văn bản gửi các ban ngành đoàn thể, các khu phố, tổ dân phố về việc kiểm tra, xử lý tình trạng hát karaoke gây tiếng ồn quá mức quy định trên địa bàn. Trong văn bản này, UBND phường đã yêu cầu ban điều hành các khu phố, tổ dân phố thực hiện rà soát, tổng hợp các địa điểm, vị trí các khu dân cư thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke, loa kẹo kéo… Từ đó thành lập các tổ phản ứng nhanh ngay tại khu phố, tổ dân phố để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của người dân. |