Cuối tuần qua, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD trong đó có nhiều gói viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việc dự luật viện trợ trên được thông qua khiến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đứng trước nguy cơ bị bãi nhiệm. Nhiều đồng nghiệp của ông Johnson trong đảng Cộng hòa dọa phế truất ông vì đã thúc đẩy dự luật viện trợ này.
Lời kêu gọi bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện
Vấn đề gây tranh cãi trong dự luật viện trợ 95 tỉ USD mà Hạ viện vừa thông qua chính là khoản viện trợ khổng lồ hơn 60 tỉ USD cho Ukraine. Kết quả bỏ phiếu cho nội dung viện trợ này là 311 phiếu thuận/112 phiếu chống. Đáng chú ý, có đến 101 phiếu chống đến từ các đảng viên Cộng hòa.
Cần lưu ý rằng sự phản đối đối với việc viện trợ Ukraine đã tồn tại trong đảng Cộng hòa từ rất lâu trước đó và ông Johnson cũng từng phản đối việc viện trợ cho Kiev trước khi ông này trở thành Chủ tịch Hạ viện.
Thậm chí, những tháng đầu lãnh đạo Hạ viện, ông Johnson đã liên tục tuyên bố rằng đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ không phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine nếu không đi kèm các biện pháp về an ninh biên giới Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thái độ của ông Johnson đã thay đổi khiến một số đảng viên Cộng hòa cảm thấy phẫn nộ vì “bị phản bội”.
Chưa đầy 24 giờ sau khi dự luật viện trợ được thông qua, Hạ nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn Marjorie Taylor Greene cho biết bà sẽ không từ bỏ kế hoạch đệ trình kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson.
“Ông Mike Johnson đã hoàn toàn phản bội đảng Cộng hòa, phản bội các cử tri Cộng hòa trên khắp đất nước. Ông ấy đang làm việc cho đảng Dân chủ để thông qua chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Quyền Chủ tịch Hạ viện của ông ấy đã kết thúc” - bà Greene nói với đài Fox News hôm 21-4.
Nhiều thành viên cực hữu khác của đảng Cộng hòa cũng chỉ trích ông Johnson vì dự luật viện trợ trên. Hai hạ nghị sĩ Eli Crane và Bob Good, những người đã bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - người tiền nhiệm của ông Johnson, đã bày tỏ thất vọng và gọi dự luật viện trợ là “sai lầm khủng khiếp”.
Thậm chí ngay sau cuộc bỏ phiếu, Hạ nghị sĩ Thomas Massie và Hạ nghị sĩ Paul Gosar (đều thuộc đảng Cộng hòa) cho biết sẽ ủng hộ kế hoạch của bà Greene trong việc bãi nhiệm ông Johnson. “Tôi khá chắc chắn rằng sẽ có cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm nếu ông ấy không chọn cách từ chức dù chúng tôi đang cố gắng tránh điều đó xảy ra” - ông Massie nói.
Phản ứng trước những lời kêu gọi bãi nhiệm mình, ông Johnson cho biết ông không lo lắng về điều này. Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói rằng ông đặt việc viện trợ cho các đồng minh, đối tác của Mỹ lên trên triển vọng cá nhân.
“Tôi không lo lắng về kiến nghị rằng tôi phải rời đi. Tôi đã làm những gì tôi tin là đúng. Nếu sợ hãi mất việc, tôi sẽ không bao giờ có thể làm được công việc của mình”- ông Johnson lưu ý.
Không dễ để bãi nhiệm ông Johnson
Theo tờ Politico, việc bãi nhiệm ông Johnson sẽ khó xảy ra trong bối cảnh các hạ nghị sĩ Cộng hòa đã mệt mỏi với những cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm, còn các hạ nghị sĩ Dân chủ thì cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đứng về phía vị Chủ tịch Hạ viện.
“Hạ viện là một nơi khó khăn và ồn ào nhưng ông Mike Johnson sẽ ổn thôi” - Hạ nghị sĩ Tony Gonzales của đảng Cộng hòa nói với đài CNN.
Đồng quan điểm, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Cole cho rằng mối đe dọa đối với ông Johnson là “nghiêm trọng” nhưng lợi thế vẫn sẽ nghiêng về Chủ tịch Hạ viện. “Tôi không nghĩ ông Johnson sẽ mất sự ủng hộ của nhiều đảng viên Cộng hòa. Thế nên, ông ấy cũng không cần quá nhiều đảng viên Dân chủ đứng về phía mình” - ông Cole nêu quan điểm.
Một số đảng viên Cộng hòa còn đi xa hơn khi tin rằng đảng Dân chủ sẽ đứng ra bảo vệ ông Johnson vì dự luật viện trợ nước ngoài cũng như bản thân ông Johnson “đáng được tôn trọng”. “Sự ủng hộ dành cho ông Mike Johnson đã tăng rất nhiều. Tôi nghĩ sự tôn trọng dành cho ông ấy đã tăng lên bởi vì ông ấy đã làm điều đúng đắn” - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - ông Michael McCaul (thuộc đảng Cộng hòa) nói.
Niềm tin của ông McCaul có cơ sở khi một số đảng viên Dân chủ đã lên tiếng sẽ phản đối việc bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. Hạ nghị sĩ Ro Khanna của đảng Dân chủ dự đoán rằng nhiều đồng nghiệp trong đảng của bà sẽ bỏ phiếu để giữ ông Johnson ở lại vì “ông ấy đã làm điều đúng đắn và xứng đáng đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ”.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Jared Moskowitz cũng cho rằng ông Johnson nên tiếp tục giữ chức lãnh đạo Hạ viện vì bất kỳ sự xáo trộn nào tại Hạ viện lúc này sẽ “chỉ khuyến khích” các đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc và Iran.
Dù vậy, một số đảng viên Cộng hòa vẫn nghi ngờ về tính bền vững trong việc đảng Dân chủ sẽ bảo vệ ông Johnson. Bên cạnh đó, một số người còn cho rằng nếu đảng Dân chủ đứng về phía ông Johnson, ông ấy sẽ mất thêm nhiều sự ủng hộ của phía Cộng hòa do tính đảng phái trong Hạ viện.
Theo CNN, hiện tại, Hạ viện Mỹ đang tạm nghỉ cho đến cuối tháng 4, và chưa rõ những người phản đối ông Johnson đã có động thái gì cho nỗ lực bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện hay chưa.
Theo giới quan sát, tương lai của ông Johnson không rõ ràng, vì nếu ông vượt qua “cửa ải” lần này, trong thời gian tới, nếu Ukraine lại cần thêm viện trợ, ghế Chủ tịch Hạ viện của ông Johnson khó tránh khỏi cảnh bị đe dọa thêm lần nữa.
Kiến nghị bãi nhiệm là gì?
Theo hãng tin Reuters, kiến nghị bãi nhiệm là quy trình để Hạ viện Mỹ loại bỏ vị trí chủ tịch của cơ quan này. Theo quy định của Hạ viện, một thành viên bất kỳ của đảng nào cũng có thể đề xuất kiến nghị bãi nhiệm, tuy nhiên kiến nghị này cần sự ủng hộ đa số của một đảng để đưa ra Hạ viện bỏ phiếu.
Nếu kiến nghị bãi nhiệm được đưa ra Hạ viện để bỏ phiếu, kiến nghị sẽ chỉ cần đa số đơn giản để thông qua. Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với 217 ghế so với 213 ghế của đảng Dân chủ, điều đó có nghĩa là nếu ông Johnson muốn giữ chức Chủ tịch Hạ viện, ông này không thể để mất nhiều hơn 1 phiếu từ đảng Cộng hòa (trong trường hợp đảng Dân chủ không ủng hộ ông).
VĨNH KHANG