Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 20/2020 quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Trong đó có nhiều điểm đáng chú ý để thay thế cho thông tư trước đó từ năm 2014. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 11-9 tới.
Theo đó, thời lượng làm việc trong một năm học của giảng viên đại học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và các nhiệm vụ chuyên môn khác.
Thông tư mới này cũng quy định mới, thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn dạy. Trong đó, một tiết giảng dạy lý thuyết trình độ đại học trên lớp (hoặc trực tuyến) trong 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.
Như vậy, theo thông tư này, định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định trong khung từ 200 đến 350 giờ chuẩn (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ hành chính). Trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp hoặc giảng dạy trực tuyến chiếm tối thiểu 50% định mức quy định.
Với mức này, Bộ GD&ĐT cho phép Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị; mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường; đặc thù của môn học, ngành học để quyết định định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học cho phù hợp .
Đây là điểm thay đổi mới đáng chú ý thay cho định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học là 270 giờ chuẩn như trước đó.
Với giảng viên thử việc, tập sự chỉ thực hiện tối đa 50% giờ chuẩn giảng dạy này.
Riêng với những giảng viên được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công tác quản lý, Đảng, đoàn thể sẽ có những định mức tương ứng.
Cụ thể như Chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học có định mức giảng dạy tối thiểu là 10% (tức từ 20 đến 35 giờ dạy); Phó giám đốc đại học, chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng trường đại học và tương đương sẽ có định mức giảng dạy 15% (tức 30-52,5 giờ chuẩn dạy); Phó trưởng phòng hoặc tương đương mức này là 30%....
Một giờ học tại phòng thí nghiệm của thầy trò Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH
Về định mức nghiên cứu khoa học, Bộ GD&ĐT cũng quy định giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho phép những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân để thủ trưởng đơn vị quyết định cho phép bù sang giờ chuẩn giảng dạy.
Về việc quy đổi các hoạt động chuyên môn sáng giờ chuẩn giảng dạy, Bộ GD&ĐT chỉ quy định quy đổi cho lớp học vượt quy mô 40 sinh viên, hoặc tiết dạy chuyên đề, tiết dạy khác với các tiết dạy cho diện sinh viên đại trà.
Cụ thể, đối với lớp học có trên 40 sinh viên, tùy theo điều kiện làm việc cụ thể đối với từng lớp ở từng chuyên ngành khác nhau, một tiết giảng dạy lý thuyết (trực tuyến hoặc trực tiếp) có thể nhân hệ số quy đổi nhưng không quá 1,5.
Một tiết giảng dạy chuyên đề, giảng lý thuyết cho các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hoặc một tiết giảng bằng tiếng nước ngoài đối với môn học không phải là môn ngoại ngữ được tính bằng 1,5 đến 2,0 giờ chuẩn giảng dạy.
Với các hoạt động chuyên môn khác, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định việc quy đổi thời gian thực hiện ra giờ chuẩn giảng dạy cho phù hợp.