Chủ tịch nước: Hạn chế tối đa việc hình sự hóa những quan hệ dân sự, kinh tế

(PLO)- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành kiểm sát thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm...

Sáng 28-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát nhân dân năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận trong năm 2022, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện đạt và vượt nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác Quốc hội giao, kết quả công tác năm 2022 đạt cao hơn năm 2021 và những năm trước.

Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”

Đáng chú ý, Chủ tịch nước đánh giá cao ngành đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, như các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương có liên quan, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Công ty Tân Hoàng Minh, Công ty Vạn Thịnh Phát....

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát nhân dân năm 2023. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Toàn ngành cũng đã tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm các quyết định, phê chuẩn của VKS có căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm...

Lưu ý các nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị ngành kiểm sát khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27 của Trung ương về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Trong đó, nội dung liên quan đến ngành KSND là “Hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu tiên của TTHS.

Đồng thời, thực hiện tốt các nguyên tắc của tố tụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; vừa đảm bảo xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi, đồng thời đảm bảo tính nhân văn, thuyết phục.

Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cạnh đó, cần tăng cường thực hiện việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát; hạn chế tối đa việc hình sự hóa những quan hệ dân sự, kinh tế; góp phần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đổi mới, sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định con người là yếu tố quyết định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, Chủ tịch nước yêu cầu VKSND Tối cao tập trung tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân công và sử dụng hợp lý biên chế cán bộ hiện có.

Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm nêu gương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục tổ chức và triển khai học tập và làm tốt lời Bác Hồ dạy cán bộ kiểm sát là phải "Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn" bằng những nội dung, hình thức cụ thể phù hợp trong công tác của ngành.

Chú trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”

Báo cáo công tác của ngành KSND cho thấy năm 2022, số vụ án về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố tăng nhiều nhất (hơn 39%). Đáng lưu ý, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19, cấu kết với một số cán bộ cơ quan nhà nước để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn thông qua các hành vi “đưa- nhận hối lộ”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo VKSND Tối cao. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Báo cáo cũng cho hay trong công tác chỉ đạo, Viện trưởng VKSND Tối cao xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành.

Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên toà. Đồng thời thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, TTHS trong đó chú trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Quá trình giải quyết vụ án chú trọng phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ vật chất để buộc tội. Khi các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội phải khẩn trương, kịp thời kiểm tra, củng cố, chuyển hoá thành các chứng cứ vật chất để kết hợp chứng minh tội phạm bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Ngoài ra, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng yêu cầu thận trọng, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Cũng theo báo cáo của ngành kiểm sát, Viện trưởng VKSND Tối cao trực tiếp chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới