Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trả lời cử tri về phòng, chống tham nhũng

(PLO)- ĐBQH Lê Minh Trí tiếp xúc và trả lời cử tri các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trả lời cử tri về phòng, chống tham nhũng

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 21-6, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị số 3 tiếp xúc cử tri quận 11, quận 5, quận 8.

Tổ ĐBQH đơn vị số 3 có ông Lê Minh Trí, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; ông Nguyễn Tri Thức, Phó Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; ông Lê Thanh Phong, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND TP.HCM.

Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu quận 5 với điểm cầu tại quận 8, quận 11.

ĐBQH Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao, trả lời cử tri các vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: MINH HOÀNG

ĐBQH Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao, trả lời cử tri các vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: MINH HOÀNG

Sau khi nghe ĐBQH Nguyễn Tri Thức trình bày báo cáo kết quả chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, QH khoá XV, phần lớn cử tri đã đặt câu hỏi về công tác phòng, chống tham khi thời gian gần đây xảy ra nhiều đại án lớn liên quan đến quan chức nhà nước, đặc biệt là vụ Việt Á.

Cử tri Đặng Văn Rành (quận 11) cho rằng hiện nay tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, Bí thứ Đảng cũng đồng thời là giám đốc hay thủ trưởng cơ quan. Điều này dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, khó kiểm soát quyền lực công.

Cử tri Rành dẫn chứng việc nhiều giám đốc CDC bị bắt gần đây cho thấy quyền lực của người đứng đầu không được kiểm soát tốt.

Cử tri này đề nghị nên có mô hình giao chức danh bí thư đảng cho cá nhân khác thủ trưởng, giám đốc đơn vị sự nghiệp để kiểm soát tốt quyền lực và nâng cao công tác giám sát.

Cũng trong vấn đề phòng, chống tham nhũng, cử tri Trần Thị Nga (quận 8) cho rằng việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các tỉnh, thành phố là rất cần thiết. Cơ quan này trong tương lai cần tăng cường công tác đánh giá, kiểm tra hoạt động giám sát của chi bộ cơ sở. Đồng thời công tác phòng, chống tham nhũng cần quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề xuất các bộ, ngành và TP cần đẩy mạnh giám sát công tác quản lý, sử dụng đất công.

“TP đang xảy ra tình trạng đất công bị bỏ không, dự án treo nhiều năm gây lãng phí, trong khi quỹ đất cho công trình công cộng như công viên, nhà văn hóa hay nhà ở xã hội không còn nhiều”, cử tri Nga bày tỏ.

Buổi tiếp xúc được nhiều cử tri quan tâm, đến tham dự và đặt câu hỏi. Ảnh: MINH HOÀNG

Buổi tiếp xúc được nhiều cử tri quan tâm, đến tham dự và đặt câu hỏi. Ảnh: MINH HOÀNG

Trao đổi cùng cử tri, ông Lê Minh Trí cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được công khai, minh bạch, có sự quan tâm lớn của Đảng, nhà nước và toàn dân.

“Phòng, chống tham nhũng hiện nay phải đồng bộ từ thể chế, hoạt động. Hoạt động ngăn ngừa để cán bộ không dám tham nhũng, không để xảy ra tham nhũng là tiên quyết. Hệ thống pháp luật cần được tích cực sửa đổi để kiện toàn. Khi có dấu hiệu tham nhũng thì phải đấu tranh quyết liệt” - ông Trí nói.

Riêng với đề xuất tách biệt người giữ chức bí thư đảng và thủ trưởng, giám đốc đơn vị sự nghiệp, ông Trí cho rằng đây còn là vấn đề của việc chọn người.

“Nếu chọn đúng người, họ làm rất tốt, rất đúng nhưng nếu chọn sai thì có thể gây ra tiêu cực. Mỗi mô hình đều có mặt được và mặt hạn chế. Trong công tác phòng chống tham nhũng, Đảng có quyết tâm cao, quyết liệt xử lý” - ông Trí nói tiếp.

Thay mặt tổ ĐBQH, ông Trí ghi nhận các vấn đề cử tri phản ánh. Đồng thời, sẽ cùng tổ ĐBQH phản ánh đầy đủ ý kiến cử tri đến với Quốc hội và cơ quan chức năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm