Chiều 24-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm đến quy định vũ khí thô sơ, trong đó có liệt kê dao. Nhiều ĐB cho rằng nếu liệt kê dao, kể cả với các tiêu chí như dài 20 cm, có tính sát thương cao… cũng có thể gây khó khăn cho người dân vì dao là công cụ sinh hoạt hằng ngày.
Đưa dao vào quản lý để tránh lợi dụng
Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng xã hội chúng ta an toàn, không có súng, vũ khí, những công cụ đe dọa, mất an toàn, an ninh cho bất kỳ người dân nào. Và đó là điều tiến bộ rất lớn của chúng ta.
“Nhiều lãnh đạo các nước sang đây thấy xã hội Việt Nam an toàn, khách nước ngoài, lãnh đạo nước ngoài có thể đi bất kỳ đâu, khách du lịch đi đêm, đi ngày không bị đe dọa gì cả, không có khủng bố hay bị đe dọa. Người dân cũng không bị ai bắt nạt” - Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Chủ tịch nước nhìn nhận có lúc cũng hình thành băng này, nhóm kia đe dọa lẫn nhau và có sử dụng dao nhưng chúng ta chưa quản lý được, cũng chưa được đưa vào danh mục. “Trong báo cáo đã nói rất rõ phần lớn các vụ đâm chém nhau chủ yếu dùng dao, trong khi chúng ta chưa đưa vào những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó” - ông Tô Lâm nói.
Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, nếu bảo dao có ý nghĩa phục vụ đời sống dân sinh, hoạt động bình thường, đúng là bình thường. Tuy nhiên, có trường hợp đi cả hàng chục người, lại có dao, mã tấu trong cốp xe, có những loại có cán… thì không thể nói đây là phục vụ sản xuất được.
Xuất phát từ nguyên lý “mọi người dân không thể bị đe dọa bởi bất kể một cái áp lực nào, sức mạnh nào” - Chủ tịch nước Tô Lâm phân tích trước đây có tập tục, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc muốn thể hiện sức mạnh là phải có súng, cung tên, giáo mác… Giờ xã hội hòa bình rồi thì cần xử lý dần những chuyện đó.
“Dao có tính sát thương lớn lắm. Kể cả dao Thái Lan, dao ăn… cũng có thể làm chết người. Nhưng chúng ta không thể nhầm lẫn chuyện đó được” - ông Tô Lâm nói và khẳng định phải có nề nếp quản lý, phải đưa dao vào quản lý để tránh lợi dụng, sử dụng dao không đúng mục đích.
Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng phải quy định trong luật pháp và công khai để mọi người đồng tình và làm theo. “Chỉ một số ít người lợi dụng việc này, còn đại đa số người dân đều mong muốn xây dựng một xã hội lành mạnh, an toàn. Tôi nghĩ là rất hay” - Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Nên quy định những khu vực nào không được mang dao
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho rằng vấn đề bây giờ là giải thích từ ngữ xung quanh nhóm vũ khí, hung khí, vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí săn bắt…
“Nhiều ĐB, khi thẩm tra đề nghị đưa dao có tính sát thương vào vũ khí thô sơ đã hợp lý chưa? Tôi nghĩ đưa vào vũ khí là đúng, nếu chiếu theo khái niệm về vũ khí” - Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nói và nhìn nhận dao có tính sát thương cao, có loại chế tạo rất thô sơ nhưng có những loại làm rất kỳ công và bằng những chất liệu rất đặc biệt.
Ông Phương cũng nói cái khó bây giờ là làm sao phân biệt mục đích sử dụng các loại dao ở từng thời điểm.
“Có ông bỏ dao vào cốp xe, chưa có hành vi gì cả dù trong suy nghĩ họ đã dự định dùng để làm gì. Không phân biệt được. Do vậy phải quy định như thế nào cho rõ, thuận tiện trong công tác quản lý” - ông Trần Quang Phương nói và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nên thống nhất chỉnh sửa nhóm khái niệm này.
ĐB Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng dao là đồ vật phổ biến trong sản xuất, sinh hoạt đời sống, trong bếp nhà ai cũng có loại dao lưỡi dài 20 cm.
“Tôi chưa rõ việc quản lý trong kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao nhằm mục đích gì, có tác dụng cụ thể như thế nào cho công tác phòng, chống tội phạm” - bà Thủy nói và cho biết đây là vấn đề còn nhiều băn khoăn, vướng mắc.
Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ gây hệ lụy lớn vì cả nước có đến 12 làng nghề sản xuất dao, chưa kể cơ sở công nghiệp với 12.300 cơ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Mặt khác, việc này còn làm tăng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, gây hao tổn kinh phí của xã hội.
Bà Thủy nói nếu dao là vũ khí, hung khí để gây nguy hiểm, giết người thì hoàn toàn có thể xử lý về mặt hình sự. “Chúng ta phải đi từ gốc của vấn đề. Để ngăn trường hợp dùng dao nhằm gây rối, vi phạm pháp luật thì nên quy định những khu vực nào, địa bàn nào không được mang dao” - bà Thủy nói thêm.
Do chưa có quy định nên chỉ xử lý được về hành chính
ĐB Dương Văn Thăng (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng cần xác định rõ hơn về khái niệm các loại vũ khí, bởi nếu chỉ liệt kê thì khi có sự thay đổi “chẳng lẽ lại phải điều chỉnh”.
Ông Thăng nhất trí phải bổ sung các quy định cụ thể về khái niệm dao có tính sát thương cao để quản lý được chặt chẽ. “Theo báo cáo, có đến hơn 50% vụ việc cố ý gây thương tích có liên quan đến dao và đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng” - ông Thăng nói và đề nghị nghiên cứu dao có những đặc tính, tính năng như thế nào thì được xếp vào loại vũ khí có tính sát thương cao, giúp quá trình áp dụng trong thực tiễn được đơn giản, dễ hiểu.
Còn ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) nói hiện nay có hiện tượng xã hội tiêu cực diễn ra rất phổ biến, cụ thể là một bộ phận thanh thiếu niên lập băng nhóm, sử dụng các loại hung khí nguy hiểm (dao, các vũ khí tương tự được hoán cải…) để đâm chém nhau.
“Nếu chúng ta không xây dựng hệ thống pháp luật để phòng ngừa thì sẽ vẫn còn những trường hợp đau lòng xảy ra và nhiều người phải chịu hậu quả đau đớn kéo dài” - ĐB Minh Đức nhấn mạnh và cho hay do còn những khoảng trống pháp luật nên khi có sự việc xảy ra thì cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính.