ĐB Trần Hoàng Ngân: Nhiều dự án dở dang, nhiều công trình nằm trơ nhiều năm...

(PLO)- Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận các doanh nghiệp trong nước đang thực sự gặp rất nhiều khó khăn, chịu rất nhiều áp lực cũng như thách thức cả bên trong và bên ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế xã hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) phân tích tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và cho rằng Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khá lớn từ tình hình kinh tế - xã hội - chính trị trên thế giới nhất do độ mở lớn.

Ông cũng bày tỏ lo lắng khi tỉ giá, lạm phát tăng, xuất nhập khẩu giảm kéo theo nguồn thu ngân sách cũng giảm. "Đặc biệt là với các mặt hàng đánh thuế cao như ô tô, máy móc thiết bị, sắt, thép..."- đại biểu Ngân nói.

phan-van-mai.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên thảo luận tổ sáng 23-5.

Từ đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân gợi ý một số giải pháp chiến lược nhằm đạt được hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Giải pháp đầu tiên ông Ngân đề cập liên quan đến các động lực tăng trưởng của nền kinh tế gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó ông nhấn mạnh đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, quan tâm nhiều hơn đến thị trường tiêu thụ nội địa, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt...

Ông cũng đề nghị Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn. "Tôi cũng đồng tình với Chính phủ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ như miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuế đất… cho các doanh nghiệp để tiếp thêm sức cho họ" - ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Đáng chú ý, với nguồn đầu tư nước ngoài, ông cho rằng cần ưu tiên thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có kết nối với doanh nghiệp ở trong nước. Song song đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với những công trình, dự án trọng điểm.

"Năm 2023, chúng ta đã giải ngân được 661.700 tỉ đồng, đây là con số rất lớn nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Nếu thực hiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ thu hút được các nhà đầu tư, khi đó đầu tư công cũng sẽ làm tốt được vai trò của mình là dẫn dắt, lan toả, thu hút đầu tư tư" - ông nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ quan tâm đến ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.

"Tại kỳ họp này sẽ thông qua 10 luật, cho ý kiến 11 luật, do đó cần đặc biệt cần quan tâm, sớm ban hành những văn bản hướng dẫn cần nhanh hơn, đồng bộ hơn" - đại biểu kiến nghị và cho rằng cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương để đảm bảo tính ứng phó kịp thời, linh hoạt và phải phân cấp toàn bộ thì công việc mới được thực hiện nhanh, kịp thời.

ĐB Trần Hoàng Ngân: Nhiều dự án dở dang, nhiều công trình cứ nằm đó trơ trọi nhiều năm không thể hoàn thành
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Liên quan đến hạ tầng, ông Ngân nói hạ tầng về giao thông là quan trọng nhất bởi đây là yếu tố mang tính dẫn dắt, thu hút đầu tư. "Chi phí logistic của doanh nghiệp đang chiếm 17-18% GDP, trong khi bình quân thế giới chỉ khoảng 10%" - ông Ngân dẫn chứng.

Ông cũng đề nghị quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục, y tế và có những chính sách đãi ngộ tốt hơn nữa, nhất là ngày 1-7 tới đây khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương mới.

Góp ý cho nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận tiến độ sắp xếp, xử lý nhà đất còn chậm, số lượng cơ sở nhà đất một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tương đối lớn... Cạnh đó, công tác sắp xếp cơ sở nhà đất ở một số đơn vị, địa phương cũng chưa được đẩy nhanh...

Hiện có nhiều dự án dở dang, nhiều công trình đang thi công rồi dừng lại như báo chí thông tin "có cầu nhưng không có đường dẫn, có đường nhưng không có cầu, thậm chí có những công trình cứ nằm đó trơ trọi rất nhiều năm...", trong đó có nhiều tài sản do các bộ quản lý.

"Có thể xem xét thành lập một ủy ban hay cơ quan đặc biệt tổng hợp gồm Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các địa phương để rà soát những dự án mà chỉ cần tiếp sức một chút là có thể đưa vào hoạt động. Trong đó nên ưu tiên xem xét, đẩy mạnh cho những công trình đã hoàn thành được 90% nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể hoàn tất phần còn lại" - ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Theo số liệu thống kê, năm 2019 có 89.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; năm 2020 con số này là 101.700 doanh nghiệp; năm 2021 là 120.000 doanh nghiệp; năm 2022 là 143.000 doanh nghiệp và năm 2023 là 172,600 (tăng 20,5% so với 2022)..

"Những con số này thể hiện việc các doanh nghiệp trong nước đang thực sự gặp rất nhiều khó khăn, chịu rất nhiều áp lực cũng như thách thức cả bên trong và bên ngoài" - ông nói và nhấn mạnh đây là khu vực chiếm tỉ trọng cao trong đầu tư phát triển (45-50%, riêng TP.HCM con số này là 68-70%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm