Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đến quy định vũ khí thô sơ, trong đó có liệt kê dao.
Nhiều ĐB cho rằng, nếu liệt kê dao, kể cả với các tiêu chí như dài 20 cm, có tính sát thương cao… cũng có thể gây khó khăn cho người dân vì dao là công cụ sinh hoạt hàng ngày.
Chủ tịch nước Tô Lâm cũng phát biểu về vấn đề này. Ông Tô Lâm cho rằng, xã hội chúng ta an toàn, không có súng, vũ khí, những công cụ đe dọa gây mất an toàn, an ninh cho bất kỳ người dân nào. Và đó là “cái tiến bộ rất lớn của chúng ta”.
Chủ tịch nước cho hay, nhiều lãnh đạo các nước sang đây thấy xã hội Việt Nam an toàn, khách nước ngoài, lãnh đạo nước ngoài có thể đi bất kỳ đâu, khách du lịch đi đêm, đi ngày không bị đe dọa gì cả, không có khủng bố hay bị đe dọa. Người dân cũng không bị ai bắt nạt.
“Có lúc cũng hình thành băng này, nhóm kia đe dọa lẫn nhau thì bằng cái sử dụng dao, công cụ mà cái đó chúng ta chưa quản lý được, chưa đưa vào danh mục.
Hiện nay, phần lớn trong báo cáo đã nói rất rõ, phần lớn các vụ đâm chém nhau tỷ lệ lớn, chủ yếu dùng dao trong khi chúng ta chưa đưa vào những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó” - Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, nếu bảo dao có ý nghĩa phục vụ đời sống dân sinh, hoạt động bình thường, đúng là bình thường. Nhưng có trường hợp đi cả hàng chục người, lại có dao, mã tấu để trong cốp xe, hàn những loại có cán… thì không thể nói đây là đi phục vụ sản xuất được.
“Những cái đó là nghiêm cấm, kể cả lưu giữ, không được sử dụng. Anh có ý định chuyện đó rồi, anh đi đe dọa người khác rồi, anh đi cướp rồi, rất nhiều chuyện. Nếu cuộc sống bình thường anh không cần những thứ đó” - ông Tô Lâm lý giải.
Dĩ nhiên, theo Chủ tịch nước, cần phải có ranh giới và cách thức quản lý. “Còn số đông bình thường không có việc đó. Đây là xây dựng một xã hội an toàn cơ mà” - vẫn lời ông Tô Lâm.
Xuất phát từ nguyên lý “mọi người dân không thể bị đe dọa bởi bất kể một cái áp lực nào, sức mạnh nào”, Chủ tịch nước Tô Lâm phân tích: Trước đây, có tập tục nhiều thanh niên đồng bào dân tộc muốn thể hiện sức mạnh là phải có súng, cung tên, giáo mác… Giờ xã hội hòa bình rồi thì cần xử lý dần những chuyện đó.
“Chứ bây giờ dao sát thương nó lớn lắm. Kể cả dao Thái lan... cũng có thể làm chết người được. Nhưng chúng ta không thể nhầm lẫn chuyện đó được”, ông Tô Lâm nói và khẳng định phải có nền nếp quản lý, phải đưa dao vào quản lý để tránh lợi dụng, sử dụng dao không đúng mục tiêu, mục đích.
Nhắc lại mục tiêu xây dựng xã hội lành mạnh, Chủ tịch nước Tô Lâm nói phải quy định trong luật pháp và công khai để mọi người đồng tình và phải làm.
“Đây chỉ là một số ít những người lợi dụng việc này thôi còn đại đa số người dân mong muốn như vậy, xây dựng một xã hội lành mạnh, không có những thứ đe dọa thế. Tôi nghĩ là rất hay”, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu quan điểm.
Ông Tô Lâm cũng nói sẽ hoàn thiện vấn đề này, ý kiến đóng góp của các ĐBQH chắc các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh từng bước một, “trưởng thành dần lên, luật pháp sát dần thực tiễn”.
“Quá trình làm chúng ta tiếp tục tổng kết. Cái gì còn sơ hở, chưa đáp ứng được tiếp tục hoàn thiện. Chúng tôi nghĩ đây là bước hoàn thiện rất tốt” - Chủ tịch nước Tô Lâm nói.