Sáng 23-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hòa (23-11-1963 - 23-11-2023) và trao Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An.
Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên... cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Long An vì đã có công lao to lớn, nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhìn nhận Long An là địa bàn giàu truyền thống cách mạng. Đây cũng là hai trong chín tỉnh, thành diễn ra khởi nghĩa sớm và mạnh mẽ nhất của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ vào đêm 22, rạng sáng 23-11-1940.
Qua đó, góp phần làm rung chuyển toàn bộ hệ thống bộ máy cai trị thuộc địa mà Pháp đã dày công tạo dựng trong suốt 80 năm kể từ ngày xâm lược nước ta.
Với thành tích đặc biệt của đội quân Khởi nghĩa Nam Kỳ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngày 14-4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 163/SL tặng thưởng “Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ” Huân chương quân công hạng nhất.
"Thật tự hào vì trong thành quả chung ấy có phần đóng góp xứng đáng của quân và dân hai tỉnh Chợ Lớn, Tân An, tức tỉnh Long An ngày nay" - Chủ tịch Long An chia sẻ.
Cũng theo ông Út, từ sau phong trào Đồng Khởi, Mỹ đã đề ra chiến lược chiến tranh đặc biệt. Cụ thể hóa bằng kế hoạch Xtaley-Taylor với ba biện pháp chủ yếu, mà trọng tâm là lập ấp chiến lược. Trước tình thế trên, tháng 9-1963, Tỉnh ủy Long An đã chủ trương đẩy mạnh công cuộc phá ấp chiến lược lên một qui mô rộng lớn hơn.
Trong đó, Hiệp Hòa là một trung tâm, căn cứ biệt kích vào loại lớn nhất ở Nam Bộ, được chọn làm mục tiêu tiến công nhằm tiêu diệt gây tiếng vang, phá hủy căn cứ và thu vũ khí bổ sung cho lực lượng của ta.
Chiến thắng trận Hiệp Hòa năm 1963 là kết quả của sự đoàn kết nhất quán và ý chí đấu tranh cao độ giữa quân và dân Long An, mở đầu một chương oanh liệt trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân và Đảng bộ Long An.
“Trong niềm vui hôm nay, chúng ta mãi mãi trân trọng, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công tạo dựng nên mảnh đất Long An, mãi mãi tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì quê hương Long An” - ông Út nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó tiêu biểu là chiến thắng trận Hiệp Hòa, là giai đoạn mà phẩm chất anh hùng cách mạng của nhân dân Long An được thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất.
Do vậy, ông mong các thế hệ mai sau phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Long An giàu đẹp.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo để hoàn thành mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đặc biệt là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa.
Tỉnh cũng cần phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo bước đột phá để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững.
"Phấn đấu đến năm 2025, Long An sẽ giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa
Sáng cùng ngày, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về Khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa, huyện Đức Hòa, Long An, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm ông Võ Văn Tần, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Khu vực ngã tư Đức Hòa là nơi đã diễn ra hai sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương. Vào ngày 4-6-1930, ông Châu Văn Liêm, Bí thư liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn và ông Võ Văn Tần (khi ấy là Bí thư Quận ủy Đức Hòa) lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước dinh Quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp.
Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, ông Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào, đồng chí khác đã hy sinh.
Ngã tư Đức Hòa cũng là nơi xử bắn các chiến sĩ tham gia Nam kỳ Khởi nghĩa năm 1941. Ngày 5-9-1989, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định công nhận Khu vực ngã tư Đức Hòa là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các đại biểu thành kính, dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Võ Văn Tần và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Cùng thời gian trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều cùng các nhiều lãnh đạo của tỉnh, địa phương đã đến thắp hương tại Bia Chiến thắng trận Hiệp Hòa tại thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa.
Đoàn đã đặt vòng hoa, thắp hương và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cách mạng đã dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Các đại biểu đã ôn lại truyền thống anh dũng bất khuất của quân và dân Hiệp Hòa cách đây 60 năm.