Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiện TP.HCM thu ngân sách lớn nhất nước và tỉ lệ điều tiết về trung ương cũng lớn nhất, TP chỉ để lại 18% còn chuyển 82% thu ngân sách về trung ương.
“Theo dõi quá trình phát triển chung của TP, tôi cho rằng TP.HCM điều tiết dưới 20% không thể nào phát triển được nhanh chứ nói TP.HCM không phát triển thì vô lý” - bà Ngân nói. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng động lực nên đầu tàu mà đi chậm thì cả toa sau đi chậm theo. “Cho nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không phải chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội lần lượt lý giải sự cần thiết trong việc trao cho TP.HCM hàng loạt cơ chế đặc thù về đất đai (tự quyết dự án đầu tư có 10 ha đất lúa trở lên); chính sách thuế tài sản, tăng mức thuế suất so với quy định (thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt); cho thu một số loại phí, lệ phí chưa có trong luật; được quyết định dự toán sau khi Quốc hội giao tổng thu, tổng chi...
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng ủng hộ cho TP.HCM được hưởng cơ chế sử dụng 50% tiền bán trụ sở bộ, ngành tại TP và tiền cổ phần hoá DNNN trên địa bàn để đầu tư hạ tầng.
Đối với số tiền 18.800 tỉ đồng chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP đã được QH phân giao (Chính phủ để nghị cắt lại vì đã cho tiền cổ phần hoá DNNN), Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Cho cái này lấy lại cái kia như vậy hẹp hòi quá. Đã cho cơ chế đặc thù rồi, chưa biết người ta thu lại được bao nhiêu đã lấy lại số này. Tôi nói 18.800 tỉ này để TP có khi tạo nhiều cái 18.800 tỉ đồng để làm lợi về cho đất nước. Nên đã tạo động lực, đã cho vượt trội, đặc thù thì cho thêm chứ đừng lấy bớt”.
Phân tích quan điểm của mình, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại lời của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi có trong tay nguồn lực tôi sẽ cho ai trước, đầu tư vào chỗ nào trước?... Tôi sẽ đầu tư vào chỗ động lực, người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để tạo ra lực lượng của cải vật chất và tôi lấy cái đó làm đầu tàu kéo những người chưa biết làm ăn, người nghèo đi lên. Còn nguồn lực đó chia nhỏ ra thì tất cả nắm tay nhau cứ đi ngang, cùng nghèo và rất chậm để có người khá, người giàu”.
Trước đó, trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP.HCM, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị cho TP.HCM một số cơ chế như:
Về quản lý đất đai: TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất.
Về quản lý đầu tư: HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công...
Về quản lý tài chính - NSNN: TP được thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; Thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí... Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định....
Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý: HĐND TP.HCM quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP...