Chiều 8-6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng.
Thị trường BĐS nhiều rủi ro, cần kiểm soát chặt
Một trong những nội dung được các ĐB quan tâm là chính sách tiền tệ để thị trường bất động sản (BĐS)- lĩnh vực sử dụng nhiều vốn vay từ ngân hàng - phát triển một cách lành mạnh.
ĐB Lê Thanh Vân đề cập, thời gian qua chính sách “siết” tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi, mục đích của nó là chống đầu cơ, chống “bong bóng” bất động sản.
“Thực tế có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”, ông đặt câu hỏi.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng |
Trả lời, Thống đốc NHNN cho hay thời gian qua, NHNN có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, để phòng ngừa rủi ro, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ.
“Nhưng bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Chính vì vậy cho vay bất động sản có rủi ro rất lớn về thanh khoản. Do đó, NHNN đã có những quy định để kiểm soát như vậy” - bà Hồng nói và cho rằng khi cho vay BĐS thì tổ chức tín dụng cùng khách hàng thoả thuận nhưng phải đảm bảo an toàn cho mình và toàn hệ thống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay các nhà điều hành đều nói là không có “siết”, nhưng thực tế “mấy tháng nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất là buồn”, doanh nghiệp huy động vốn gặp khó khăn. Thị trường BĐS cũng rơi vào tình trạng tương tự.
“Chúng ta cần thanh tra, kiểm tra, giám sát “từ sớm, từ xa”, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn”, ông nói và lưu ý “các thị trường là thông suốt, do đó phải giám sát, quản lý chặt nhưng cũng phải điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển”.
“Chúng ta chấn chỉnh, xử lý méo mó của thị trường chứ không đóng cửa hay hạn chế thị trường. Vì thế, chính sách tài chính kinh tế phải nhất quán, thông suốt, tránh giật cục”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh
Nguồn cung nhà ở sụt giảm mạnh
Giải trình thêm về các nội dung liên quan đến thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thị trường BĐS thời gian qua có sự phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào nền kinh tế, giải quyết nhu cầu về chỗ ở, phát triển công nghiệp, du lịch.
Tuy nhiên, thị trường cũng đã bộc lộ những bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh nổi lên. Đó là, hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường này vẫn còn bất cập, cần sửa đổi để thống nhất như là hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất, xác định giá đất, quy định với loại hình bất động sản mới, quy trình thủ tục triển khai thực hiện dự án…; cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, thừa nhà ở trung cao cấp, thiếu nhà ở thu nhập thấp; giá BĐS liên tục tăng cao so với thu nhập của người dân; công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường bất bất cập; việc kiểm soát dòng vốn vào BĐS chưa chặt chẽ, nhiều rủi ro…; hoạt động của thị trường thiếu công khai, minh bạch…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết hiện nguồn cung BĐS đang sụt giảm do nhiều dự án gặp khó khăn trong triển khai, số lượng dự án mới thấp, trong khi đó nhu cầu về nhà ở, nhất là nhà ở phân khúc trung bình, thấp rất lớn.
Cụ thể, năm 2021, có 172 dự án nhà ở thương mại hoàn thành. Con số này chỉ bằng 60% so với năm 2020. Trong quý I -2022, dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 42 dự án, chỉ bằng 47% so với quý IV -2021. Còn nhà ở xã hội, hiện các nước có 339 dự án nhưng tốc độ triển khai rất chậm, thời gian gần đây mới được khởi động lại sau khi có gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Gỡ khó vốn vay cho doanh nghiệp BĐS
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị hàng loạt giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Đầu tiên là nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển. Kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở kinh doanh bất động sản để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư đất đai, quy hoạch xây dựng để thúc đẩy triển khai tạo nguồn cung cho thị trường. Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.
Đặc biệt, ông Nghị cho hay sẽ “kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro”. “Các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án bất động sản để góp phần có thêm nguồn cung” - ông nói.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị cần kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ, nhưng cũng “tạo điều kiện không làm cản trở hoạt động huy động vốn cho các doanh nghiệp có đủ năng lực hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh”.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, xử lý hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.