Chủ tịch Quốc hội: Thái Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt

(PLO)-Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Thái Bình phấn đấu duy trì đà tăng trưởng, phát huy tinh thần, truyền thống cách mạng quê hương, trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như mong muốn và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua.

Tiếp đà thắng lợi đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục phát huy tinh thần, truyền thống cách mạng của quê hương.

“Không chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được, phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu duy trì đà tăng trưởng ở hai con số nhằm thực hiện hóa khát vọng xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu, đến năm 2045 là tỉnh phát triển phát triển trong khu vực đồng bằng Sông Hồng, xứng đáng là tỉnh gương mẫu về mọi mặt như mong muốn và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” – Chủ tịch Quốc hội nói.

chu-tich-quoc-hoi-thai-binh-phai-tro-thanh-mot-tinh-guong-mau-ve-moi-mat-1.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và của tỉnh, tập trung đạt kết quả cao nhất trong nhiệm kỳ này, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2050.

Cùng với đó, tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá phát triển đã được xác định tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Trong đó, không gian kinh tế - xã hội gồm một trung tâm (thành phố Thái Bình) – một hành lang kinh tế phía Đông (với 2 đô thị Tiền Hải và Thái Thụy) – một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam và hướng về Hà Nội) – một hành lang Đông Bắc Tây Nam kết nối từ các tỉnh Bắc Trung Bộ về Hải Phòng, Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, Thái Bình cần hết sức nỗ lực để trở thành Trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng – Trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Vùng đồng bằng sông Hồng – địa bàn trung chuyển, trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Coi trọng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch đất đai và quy hoạch nông thôn, gắn phát triển không gian đô thị với phát triển kinh tế đô thị, khu kinh tế và các khu công nghiệp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Thái Bình cũng cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong tỉnh, đặc biệt là hạ tầng kết nối vùng; hoàn thiện các thủ tục về đầu tư theo hướng hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện các dự án giao thông quan trọng kết nối vùng, khu vực nhằm tạo động lực phát triển, thu hút đầu tư…

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, những năm qua, đặc biệt là mấy năm gần đây, nền kinh tế tỉnh Thái Bình đã vượt qua khó khăn, phát triển ổn định và có nhiều khởi sắc.

chu-tich-quoc-hoi-thai-binh-phai-tro-thanh-mot-tinh-guong-mau-ve-moi-mat-5.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình phát triển của tỉnh tại buổi làm việc

Trong đó, kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển khá nhanh và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 8,18%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 ước đạt 67.948 tỉ đồng, gấp 1,3 lần năm 2020.

Thu nhập bình quân đầu người của Thái Bình năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, trong đó riêng năm 2023, công nghiệp và xây dựng chiếm 45%. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP tăng lên 78,9%.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Bình nhiều năm liền thuộc tốp đầu cả nước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2021 – 2023 cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt trên 4,1 tỉ USD. Riêng năm 2023, thu hút FDI đạt gần 3 tỉ USD, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn được chỉ đạo, phát triển toàn diện. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thực hiện có chiều sâu và thực chất. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 34 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 14,1% tổng số xã), 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

chu-tich-quoc-hoi-thai-binh-phai-tro-thanh-mot-tinh-guong-mau-ve-moi-mat-4.jpeg
Chủ tịch Quốc hội tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn huyện Thái Thuỵ

Trước đó, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Quốc hội đã đi thăm và làm việc tại khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái; tặng quà gia đình chính sách, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thái Thụy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm