Chủ tịch Thừa Thiên-Huế trực tiếp kiểm tra hiện trường cá chết

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết sau sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã lấy mẫu cá và nước để đưa đi phân tích.

Đặc biệt, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lấy mẫu rong tại biển thuộc thị trấn Thuận An để phân tích.

Theo ông Khanh, người dân khẳng định loại tảo này chưa từng xuất hiện tại đây nên đó là một hiện tượng lạ, cần làm rõ.

Đối với mẫu nước tại tất cả cửa biển, vùng nuôi thủy sản, bờ biển địa phương này đến nay (mẫu mới nhất được lấy vào ngày 4-5) vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn của Bộ TN&MT.

Riêng mẫu cá hiện đang chờ kết quả phân tích.

Người dân buồn rầu vì cá chết hàng loạt. Ảnh: VẠN AN

“Hiện nay các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc để xác định cá chết tại đây là do virus, tác động môi trường biển hay do nguyên nhân nào khác để trả lời cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu, khu vực nuôi này có một số tiêu chí chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật như khoảng cách giữa các lồng, không có bình sục khí tạo ôxy…” - ông Khanh cho hay.

Ông Khanh cho biết nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng tổ chức lực lượng thường trực tại khu vực cá chết để kiểm tra, ngăn chặn việc bán cá chết ra thị trường.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tiến hành quan trắc hai lần, mẫu được chia làm đôi để gửi cho Tổng cục Môi trường độc lập phân tích nhằm đối chứng kết quả với Sở. Các thông số này được cập nhật liên tục trên các website của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ ngày 3-5 đến nay, tại khu vực này đã có trên bốn tấn cá nuôi của người dân bị chết, hiện tượng này xảy ra sau khi thủy triều lên vài giờ. Riêng cá biển chết trôi dạt vào bờ thời điểm này lên đến gần một tấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm