'Chưa thấy đánh giá hiệu quả các công trình đầu tư'

Sáng 29-10, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc phân bổ dàn trải vốn đầu tư khiến thiếu vốn cho các dự án lớn.

Nhắc đến cụm từ “đầu tư dàn trải”, đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định dù đạt một số kết quả nhưng trong báo cáo Chính phủ đề cập một số hạn chế lớn cần vượt qua. Cụ thể, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỉ đồng, tương đương với số vốn này là 9.620 dự án cần đầu tư.

Hiện ở các địa phương số lượng dự án dang dở rất lớn, đây là nỗi trăn trở. Đặc biệt với nguồn trái phiếu chính phủ, mỗi địa phương được phân bổ một dự án trong tổng số 260.000 tỉ đồng, như vậy là còn dàn trải.

“Kinh nghiệm các nước cho thấy nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ dành cho các dự án có sức lan tỏa lớn. Ví dụ, Australia, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ đầu tư cho bốn dự án. Ở Hàn Quốc, trong số 20 dự án cao tốc thì có tới 15 dự án được đầu tư bởi các thành phần kinh tế tư nhân. Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta làm một phép chia cơ học với tổng số nguồn lực hiện tại mà đem ra chia cho các dự án sẽ thấy rằng muốn có vốn được tập trung vào dự án lớn là rất khó khăn…” - vị đại biểu nhận định.

Dẫn chứng việc giám sát thực tế tại các địa phương và ý kiến của các ĐB, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng mong muốn của các địa phương có một dự án là xứng đáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, nợ công còn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng thì bắt buộc phải có sự lựa chọn, tránh đầu tư dàn trải.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh công bằng là nguyên tắc quan trọng được đề cập ở hầu hết các nghị quyết phân bổ ngân sách. Tuy nhiên, công bằng không có nghĩa là “cào bằng”. Trọng tâm không có nghĩa là một số địa phương dự án được chú trọng mà thực sự cần có trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết ở cùng thời điểm.

Để khắc phục tình trạng trên, vị ĐB kiến nghị cần cương quyết thay đổi phân bổ nguồn lực theo trật tự ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật. Tiếp đến, việc đề xuất dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương trong cùng khu vực để hạn chế nhỏ lẻ nhưng lại thiếu tính lan tỏa vùng miền, đặc biệt là chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch. Theo vị ĐB, nếu quy hoạch kém sẽ cho ra đời những dự án dàn trải, kém hiệu quả.

“Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc, Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực, ngành mà các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư, không thể đầu tư hay không được phép đầu tư…” - bà Mai kiến nghị.

Vị ĐB cũng nhắc đến tính hiệu quả của dự án. Vì theo báo cáo Chính phủ, số lượng dự án hoàn thành rất lớn. Tuy nhiên, xét dưới giác độ kết quả đầu ra, chưa có báo cáo nào thẩm định tất cả dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực.

“Trong hàng ngàn công trình hoàn thành, công trình nào hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu chưa hiệu quả, đến nay cũng chưa có câu trả lời chính xác…” - bà Mai nói và cho rằng các quy định của pháp luật mới chỉ tập trung ở quá trình phê duyệt, thẩm định, phân bổ mà thiếu vắng trách nhiệm về hiệu quả. Đặc biệt là thiếu tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra…

Đồng tình, nhiều ĐB cũng cho rằng việc đầu tư hiện nay đang dàn trải. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần điều tra, xử lý nghiêm các dự án đầu tư công bị thất thoát.

“Có như vậy mới làm gương cho các dự án khác. Đối với nhiều dự án dang dở, gây lãng phí đề nghị Chính phủ bổ sung trong báo cáo việc thanh tra, xử lý các sai phạm đến đâu, mức độ xử lý các cá nhân, tổ chức đến đâu...” - ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm