PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu “Kết quả xếp hạng chỉ số công khai ngân sách tỉnh Pobi 2017", đã thông tin như vậy tại Hội thảo Công bố chỉ số côn khai minh bạch ngân sách tỉnh năm 2017 và kế hoạch khảo sát năm 2018, ngày 23-8.
Kết quả khảo sát, xếp hạng này do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cùng Viên Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp thực hiện tại 63 tỉnh, thành.
Theo ông Cường, mục tiêu của kết quả xếp hạng này nhằm thúc đẩy sự minh bạch, giải trình và quản lý ngân sách, tạo động lực cạnh tranh thu hút đầu tư. Qua đó, tạo niềm tin của công chúng đối với việc quản lý ngân sách nhà nước cấp tỉnh.
Theo đó có 10 tài liệu cần công khai gồm: Hướng dẫn xây dựng ngân sách, dự thảo dự toán ngân sách, dự toán ngân sách, ngân sách công dân, báo cáo quý, báo cáo giữa kỳ, báo cáo cuối năm, báo cáo quyết toán, báo cáo kiểm toán và các tài liệu đầu tư công.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, công bố kết quả xếp hạng chỉ số công khai minh bạch ngân sách tỉnh Pobi 2017 và kế hoạch khảo sát năm 2018. Ảnh: P.ĐIỀN
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả rà soát các văn bản công bố trên các website của UBND tỉnh, HĐND, Sở Tài chính và Sở KH-ĐT qua ba vòng cho thấy, nhiều địa phương “lờ” việc công khai ngân sách. Một số địa phương công khai nhưng chỉ tìm thấy trên website của Sở Tài chính.
Ngoài ra, một số sở, ngành dù website có thiết kế mục công khai ngân sách như dự thảo, dự toán, quyết toán nhưng không có thông tin nào đăng tải. Nhiều website không hiển thị nội dung thông tin hoặc ngày đăng tải nên không thể kiểm chứng độ chính xác thời gian đăng tải so quy định.
Cá biệt nhiều tỉnh, thành chưa công khai biểu mẫu theo hướng dẫn. Thậm chí, một số tỉnh, thành có công khai nhưng nằm lẫn bên trong, rất khó tìm kiếm trên website.
“Hai loại tài liệu được công khai nhiều nhất là dự toán ngân sách năm 2018 đã được HĐND thông qua và quyết toán ngân sách tỉnh năm 2016. Ngược lại tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2017 ít được công khai nhất (25/62 tỉnh, thành). Thậm chí, khi nhóm nghiên cứu có phản hồi thì website một số tỉnh, thành mới điều chỉnh lại thời gian công khai ngân sách trong năm”, ông Cương cho hay.
Nhấn mạnh về tính bắt buộc theo luật định, tuy nhiên nhiều tỉnh, thành “lờ” không công bố ngân sách, ông Cường cho rằng, rất khó lý giải về điều này thậm chí khi nhóm nghiên cứu gửi kết quả khảo sát, xếp hạng, chỉ có 28 tỉnh thành có ý kiến phản hồi về việc công khai ngân sách địa phương; số tỉnh, thành còn lại không hề có ý kiến phản hồi lý do họ không công khai để đảm bảo tính minh bạch, giải trình đối với người dân.
Đại diện Sở Tài chính các địa phương nhìn nhận, dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách là hai tài liệu công bố nhiều nhất. Ngược lại, các danh mục đầu tư, số vốn và biểu mẫu, kết quả kiểm toán ít xuất hiện trên các website.
“Chúng tôi cũng muốn cập nhật danh mục đầu tư, vốn nhưng khi liên hệ Sở KH-ĐT tỉnh thì nơi này chưa không cung cấp dẫn đến việc công bố thiếu các danh mục cần công khai. Ngoài ra, một số biểu mẫu cần công khai từ Bộ Tài chính cũng cập nhật chưa trọn vẹn”, đại diện Sở Tài chính Tây Ninh giải bày.
Thạc sĩ, Trần Thị Mai Phước, khoa Luật ĐH Mở TP.HCM, đề xuất ngoài việc khảo sát kết quả công khai, minh bạch ngân sách, nhóm nghiên cứu cần tập trung đánh giá số người theo dõi các tài liệu liên quan ngân sách nhiều hay ít để đánh giá mức độ dễ dàng tiếp cận ngân sách tại địa phương đó.
Tiêu chí xếp hạng Pobi Tiêu chí xếp hạng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm tính có sẵn, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, so sánh và tính chính xác. Tuy nhiên, tiêu chí công khai áp dụng cho Pobi 2017 gồm tính có sẵn (miễn phí, mọi công dân đều được tiếp cận); tính công khai (tài liệu công bố trên các website chính thức của cơ quan điều hành ngân sách hoặc sử dụng ngân sách tính đầy đủ (bao gồm các biểu mẫu, nội dung theo quy định của Bộ Tài chính). |