Theo ông Thanh, ACV hoàn toàn tự tin bằng nguồn lực của mình có thể thu xếp được nguồn vốn để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. "Trong bất kỳ trường hợp nào, ACV cũng khẳng định không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư. Thực tế, vốn nhà nước cũng hiện diện tại đây nhưng chủ yếu để xây dựng các trụ sở thuộc các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, xuất nhập cảnh, cảng vụ, y tế,..." - ông Thanh nói.
Tuy nhiên, nếu loại trừ việc xây dựng sân bay Long Thành thì tổng vốn đầu tư của ACV đến năm 2020 lên đến 78.000 tỉ đồng. Như vậy, một khi tiến hành xây dựng sân bay Long Thành sức ép lên nguồn vốn cho ACV rất lớn.
Trả lời vấn đề này, ông Thanh cho rằng một khi ACV đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, trong đó có vấn đề cốt lõi là đầu tư xây dựng cơ bản thì điều quan trọng là phải chứng minh được việc cân đối nguồn vốn thực hiện.
"Với việc Bộ GTVT đang là chủ sở hữu chính của ACV, nên về mặt nguyên tắc phải báo cáo kế hoạch đầu tư cho Bộ xem xét. Một khi đã báo cáo thì ACV chắc chắn phải chứng minh được việc thu xếp nguồn vốn của mình" - ông Thanh cho biết.
Theo ông Lại Xuân Thanh, hiện ACV đang lập báo cáo khả thi phương án xây dựng sân bay Long Thành và sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10-2019.