Đặt nghi vấn từ tàu trên biển ?
Cả bốn tỉnh nêu trên đã báo cáo diễn biến sự việc phát hiện cá, tôm chết gây thiệt hại và đều kiến nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Đồng thời đề nghị có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại và giúp người dân khắc phục hậu quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Ngân chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, họp đánh giá tình hình và tìm nguyên nhân cá chết dạt vào bờ biển. Ảnh: ĐB
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, nhận định: "Cá chết chủ yếu là cá nuôi lồng, cá tự nhiên, chủ yếu sống ở tầng đáy, chết từ khoảng 3-5 giờ sáng, diễn biến nhanh chỉ trong 3-4 giờ đồng hồ. Về nguyên nhân, loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh, các mẫu cá thu được tiếp tục được phân tích tại các viện, đặc biệt tập trung vào các nhóm độc tố...".
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết hiện nay cá vẫn đang chết nhưng ít và kiến nghị về lâu dài phải có các trạm quan trắc tìm hiểu môi trường biển.
Còn ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế, đặt vấn đề: Tại sao không bắt nguồn từ Nghệ An mà Hà Tĩnh và không tới Đà Nẵng? Về không gian thì cá chết từ Hà Tĩnh vào đến Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế). Chúng tôi nhận định đối với con cá chết chắc chắn là do trúng độc nhưng cái độc này có hai luồng.
Luồng thứ nhất là thải từ bờ, thứ hai là chúng ta không loại trừ những người, những chiếc tàu trên biển. Vì sao chúng tôi nói như vậy vì ngày 18-4, Thừa Thiên-Huế nhận được thông tin một con tàu nước ngoài xin cập bến tiếp nước ngọt. Bộ Tư lệnh Biên phòng đồng ý cho tàu vào. Khi vào thì kiểm tra trên con tàu đó không có lưới mà là tàu thu mua. Rồi phát hiện ra họ ở trên bờ cũng có người thu mua liên lạc với nhau. Và biên phòng không có cơ sở giam con tàu và các thuyền viên này.
Lần lại dấu vết trước đó ở Quảng Bình cũng bắt được 5 tàu nước và 28 thuyền viên đi tàu sau đó thả. Chúng tôi nghĩ cần xem xét lại hoạt động của các con tàu nước ngoài này trước và trong, sau thời gian phát hiện cá chết. Đề nghị các cơ quan chức năng ở trên bờ thì cũng vào cuộc gấp, xem nước thải nhưng mặt khác trên biển cần xem lại hành trình các con tàu...".
Formosa được cấp phép xả thải nhưng tiếp tục kiểm tra độc tố
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, phát biểu: Cần tập trung xử lý cá chết, làm sạch môi trường, xem thử nguyên nhân gì mới chỉ đạo sản xuất được. Dưới góc độ khoa học tôi rất băn khoăn vì có rất nhiều yếu tố như dịch bệnh, môi trường...
Hiện nay, chưa đủ luận cứ để xác định nguyên nhân, đây là vấn đề phức tạp, hiếm hoi. Hiện nay cần phải bình tĩnh tìm ra nguyên nhân, các cơ sở nghi xả thải thì chúng tôi đang khảo sát.
Cá chết dạt vào bờ biển Hà Tĩnh.
"Về đường ống xả thải Formosa, trong thiết kế của nhà máy, xử lý nước thải theo quy trình đảm bảo quy định thì có đường ống từ bờ ra biển, được cho phép. Bộ TN&MT cho phép xây dựng hợp pháp, xây dựng xong đủ độ chuẩn đưa ra môi trường. Việc làm đường ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý là hết sức bình thường. Quy trình xử lý này đã có máy giám sát tự động" - ông Nhân cho biết.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết đây là lần đầu tiên xuất hiện cá chết nhiều trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đền người dân. Đây là vấn đề nóng, nhạy cảm, hệ trọng và liên quan đến dân sinh.
Theo ông Tám, ban đầu cơ quan chức năng có sự lúng túng khi tìm nguyên nhân cá chết nhưng cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời, không muộn. "Chỉ là vấn đề chưa tìm ra nguyên nhân chính xác và cần phải làm rõ".
Nhà Bè nổi phục vụ đặc sản món mực nhảy ở Vũng Áng, trước đây rất đông khách nhưng những ngày qua vắng khách.
Các đại biểu cũng nêu, cần xác định khả năng độc tố gây cá chết, ở đây cả độc tố sinh học và hóa học. Đồng thời, phải kiểm tra xem tảo độc và các yếu tố sinh hoc khác liên quan.
Ông Tám cũng yêu cầu các tỉnh khẩn trương xử lý cá chết để đảm bảo vệ sinh môi trường và khuyến cáo người dân không ăn cá chết nổi lên. Đại diện Thừa Thiên-Huế lại cho rằng đến thời điểm này cá không chết nữa thì có nghĩa trên biển không còn độc tố nữa thì cần tuyên truyền dân hiểu sao giúp ngư dân.
Như đã đưa tin, bắt đầu từ ngày 6-4, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đến khoảng ngày 10-4, hiện tượng cá chết tiếp diễn tại vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Sau đó, tình trạng cá chết được phát hiện tại vùng biển Quảng Trị và tiếp tục lan rộng vào Thừa Thiên-Huế.