Việc mua sắm cùng con không phải lúc nào cũng dễ dàng và vui vẻ! Thực tế thì một chuyến đi đến nơi công cộng như siêu thị hay trung tâm thương mại có thể tạo nên nhiều vấn đề với trẻ nhỏ: bé đi lạc, bé bị mệt, cáu bẳn và tỏ ra rất hư dù vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn… Sẽ rất hạnh phúc nếu cả nhà được cùng nhau chuẩn bị sắm sửa Tết, nhưng hãy luôn suy nghĩ đến tính cách và xu hướng cư xử của con khi lên kế hoạch nhé.
Trước khi đi:
1. Lên kế hoạch
Các bậc phụ huynh phải lên kế hoạch kỹ để có chuyến mua sắm tốt nhất: xác định những gì đã có, những gì cần mua, nơi nào cần tới trước tiên, mất khoảng thời gian bao lâu… Bạn cũng cần cố đừng la cà ngắm nghía cho sướng mắt vì việc này rất dễ khiến trẻ con mệt mỏi và buồn chán; từ “Sale” chẳng có ý nghĩa gì với chúng cả đâu. Một khi bạn đã quyết định được kế hoạch của mình, hãy giải thích cho con hiểu.
Ảnh minh họa nguồn webtretho
Dù bạn nên làm rõ trước với con là những yêu cầu không hợp lý sẽ không được đáp ứng, nhưng cũng hãy bảo đảm rằng trong chuyến mua sắm này có thứ gì đó dành cho bé (và vừa túi tiền bạn) – một món đồ dùng học tập mới, một món đồ hợp sở thích của bé, hoặc bạn có thể nói với con rằng sau khi mua sắm xong thì sẽ cùng đi ăn một món nào đó ngon ngon. Sau cùng thì, việc mua sắm chắc chắn sẽ làm cả bé và bạn đều thấy đói.
2. Nêu yêu cầu rõ ràng
Thảo luận rõ ràng về các quy tắc cũng như mong đợi của bạn trước khi đi mua sắm. Bạn cần đặc biệt nghiêm túc về vấn đề an toàn, dặn con phải luôn ở gần bên, không được lang thang ra khỏi tầm mắt của bạn vì bất cứ lý do gì; cho con biết những “hình phạt” khi bé không tuân thủ điều này, chẳng hạn như phải rời siêu thị ngay lập tức hoặc mất một số quyền lợi ở nhà. Bảo đảm bé hiểu được điều này sẽ giúp bạn đi mua sắm yên tâm hơn nhiều.
Bạn cũng có thể phân công cho các con trông nom lẫn nhau, trẻ lớn trông trẻ nhỏ; lên kế hoạch hoặc định trước một điểm như quầy thu ngân hay bàn thông tin để gặp lại nhau nếu bị lạc; cũng hãy dặn con không sợ hãi và tìm gặp nhân viên cửa hàng (mặc đồng phục và đeo bảng tên) để nhờ giúp đỡ.
3. Cân nhắc về thời gian
Mua sắm vào cuối tuần hoặc ngay trước bữa tối khi bố mẹ và các con đều đói và mệt mà lại phải chen chúc, có thể rất căng thẳng, đặc biệt trong mùa lễ tết này. Vậy nên nếu có thể, bạn hãy thử đi mua sắm vào buổi sáng hay đầu giờ chiều vào các ngày trong tuần, hoặc dời bữa tối lại một chút và đi mua sắm vào khoảng thời gian tương đối dễ chịu hơn vào khoảng 7 giờ tối. Bạn cũng cần tính đến lịch của con, tránh giờ ăn, giờ ngủ, và cũng đừng chọn lúc con đang chơi vui hay đang có chương trình TV mà bé yêu thích vì dễ tạo điều kiện cho căng thẳng nảy sinh.
Khi tránh được những căng thẳng từ siêu thị hay cửa hàng đông người, ta sẽ có nhiều năng lượng và sức sáng tạo hơn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mua sắm của mình đồng thời vẫn quan tâm được đến con.
4. Chia nhỏ những chuyến đi mua sắm
Thay vì làm những chuyến mua sắm dài lâu, “đi một thể”, mà chính bạn cũng cảm thấy mệt mỏi, bạn hãy chia nhỏ danh sách của mình và đi mua sắm làm nhiều lần. Như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều. Và khi đi mua sắm, bạn cũng hãy bắt đầu ở những mặt hàng thiết yếu nhất phòng trường hợp phải về trước dự định.
Trong khi đi mua sắm
1. Hãy nhớ rằng con có những giới hạn
Ảnh minh họa nguồn seknows
Nếu bạn đi mua sắm cùng với con mình, hãy quan tâm đến các nhu cầu của bé vì trẻ con rất dễ bị mệt, đói, bị kích động bởi tiếng ồn và sự đông đúc. Phản ứng bình thường của một đứa trẻ mệt mỏi và chán nản là làm mình làm mẩy, mà lờ đi hoặc lập tức trách phạt con đều không giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, bạn hãy tập trung sự chú ý cho con trong khoảng 5 phút, ôm con vỗ về, tìm cách giúp vui cho con hoặc nhờ sự giúp đỡ… Đôi khi bé chỉ cần một chút không gian thoáng đãng là hồi phục được ngay.
2. Hãy nhớ trẻ nhỏ rất hiếu kỳ
Trẻ con hiếu kỳ, đó là cách chúng học hỏi. Hãy cho con dừng lại để xem và ngắm nghía vài gian hàng thay vì cố lùa bé đi cho nhanh. Thỉnh thoảng một cửa hàng thân thiện với trẻ nhỏ sẽ khiến bé thích thú đủ để chống lại sự buồn chán vì cứ phải vào những gian hàng bán đồ chán phèo.
Nếu con muốn thử khám phá một món đồ nào đó, bạn đừng la mắng mà hãy giúp bé cầm giữ chúng an toàn, hoặc cho bé biết là thứ đồ đó chỉ được ngắm chứ không được chạm vào. Bạn có thể nói, “Món đồ này dễ vỡ lắm, nên mẹ con mình chỉ cùng ngắm thôi nhé.” Kể cả khi bạn không muốn hay không cần mua một món đồ nào đó thì chia sẻ sự háo hức với con cũng là việc nên làm.
3. Đi mua sắm với con nhỏ…
Mua sắm với trẻ nhỏ, thậm chí trẻ sơ sinh, có thể không thành vấn đề nếu bé đã được cho ăn no và nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng bạn hãy nhớ các bé rất dễ bị mất nước trong điều kiện không khí khô ở các trung tâm mua sắm nên hãy thường xuyên cho bé bú, uống nước hoặc nước trái cây.
Nếu việc bế bồng tình cảm khiến mẹ bận tay bận chân, kéo dài thời gian mua sắm trong mệt mỏi, bạn có thể cho bé vào xe đẩy có thắt dây an toàn (chiếc xe đẩy khi này cũng có thể là nơi bạn để một số thứ như mũ, túi…). Một món đồ chơi nhỏ có thể giúp bé “cầm cự” được trước sự chú ý chắc chắn sẽ giảm đi từ cha mẹ, nhưng bạn hãy nhớ dừng lại nhiều nhất có thể để giao tiếp với con bằng ánh mắt, lời nói dịu dàng và những cái ôm.
Trẻ lớn hơn một chút vẫn dễ bị ngộp khi bị vây quanh bởi nhiều người lớn nên nếu được, bạn hãy địu bé lên cho bé ở độ cao có thể cảm thấy hài lòng hơn. Việc này cũng giúp ngăn chặn việc bé bị lạc vào đám đông.
4. Đi mua sắm với trẻ lớn hơn…
Ảnh minh họa nguồn fromsakstosalvation.blogspot
Bé lớn một chút có thể là trợ thủ đắc lực cho bạn trên tinh thần vui vẻ và bé được đánh giá tốt. Nếu bé đã lớn đủ để giúp bạn “định vị mục tiêu” thì chuyến mua sắm của bạn sẽ được rút ngắn thời gian nhiều.
Cho bé tham gia và khiến bé cảm thấy mình như một phần quan trọng của việc mua sắm cũng có thể giúp cho trải nghiệm này trở nên thú vị hơn. Bạn có thể nhờ con lấy những thứ như món ngũ cốc yêu thích của bé, chiếc bàn chải có hình nhân vật hoạt hình… Bạn cũng hãy để bé cùng chọn món đồ tốt nhất – đọc nhãn sản phẩm, so sánh giá cả – thảo luận về chuyện này không chỉ tốt cho tâm lý của con mà còn giúp bé học được những điều cơ bản.
5. Khi bạn phải nói “Không!”
Phần quan trọng nhất của việc nói “Không!” là cho con hiểu rằng dù không thể đáp ứng mọi yêu cầu nhưng bạn vẫn ở bên bé. Bạn có thể nói rằng, “Trông thích thật con nhỉ? Có thể khi về nhà mình sẽ ghi thêm nó vào danh sách lựa chọn quà tặng của con nhé.” Không có luật nào bắt buộc những lời từ chối đều phải khó chịu; nụ cười, những cái ôm và sự vỗ về đều có mất gì của bạn đâu!
6. Khi bạn đã đến giới hạn của mình…
Ảnh minh họa nguồn webtretho
Nếu bạn đã đến giới hạn sức lực và sự kiên nhẫn, hãy cố gắng làm mẫu cho con thấy những cách tích cực để xử lý sự tức giận và mệt mỏi. Bạn có thể nói “Mẹ bắt đầu mất kiên nhẫn rồi, chắc phải nghỉ một chút, mẹ con mình cùng ra ngoài vài phút để thư giãn đi.” Chỉ cần tránh khỏi đám đông một lát thôi cũng có thể tạo nên thay đổi lớn cho tâm trạng của cả bạn và con.
7. Nếu con bạn đã đến giới hạn của mình…
Nếu con bạn đã đạt tới giới hạn không thể làm gì thêm được nữa, hãy tôn trọng điều đó. Việc mua sắm có thể đợi chứ một đứa trẻ đói khát, mệt mỏi thì không đâu bạn; hãy ngừng việc mua sắm để về nhà hoặc đưa con đến khu vui chơi của trung tâm hoặc đi ăn nhẹ đi nhé.
Một đứa trẻ thường được bố mẹ dành thời gian, sự kiên nhẫn, sự quan tâm trọn vẹn sẽ hợp tác hơn trong những chuyến đi mua sắm – cũng như những tình huống thách thức khác – hơn là những đứa trẻ phải đối mặt với những tình huống căng thẳng mà không được hỗ trợ về tinh thần.
Theo webtretho